?? >> Bản tin đặc biệt thủ đô tiến, tiến từ 1 tỷ VND
Xu thế dòng tiền: Vì sao vốn nội hứng khởi như vậy?
►Có sự bi quan trong các chuyên gia của "Xu thế dòng tiền", ngay cả khi VN-Index có liên tục 5 phiên tăng điểm...
Xem nhiều
“Xu thế dòng tiền” hội tụ những chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm đến từ các công ty chứng khoán, là những người bám sát thị trường, có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến thị trường thông qua các hoạt động giao dịch, hoạt động tư vấn đầu tư.
Yếu tố được nhìn nhận như động lực cho tuần tăng trưởng này, là hiện tượng kéo trụ tác động vào những cổ phiếu lớn rõ rệt hơn tuần trước; mức điều chỉnh quá mạnh trước đó có thể tạo nên đợt phục hồi vượt kỳ vọng thông thường.
Đà tăng chậm lại ở nhiều cổ phiêu trong phiên cuối tuần và thanh khoản không có sự bùng nổ được nhìn nhận như là những dấu hiệu cần chú ý. Các chuyên gia đã thực hiện bán ra mạnh trong tuần này, hạ thấp tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục xuống cao nhất 20%, thậm chí là cầm tiền mặt 100%.
Duy nhất một chuyên gia giữ tỷ trọng cổ phiếu cao, nhưng cũng đã có kế hoạch giảm xuống trong tuần tới.
Biển Đông không còn ảnh hưởng đến thị trường
Thay vì chỉ bật tăng 1-2 phiên đầu tuần như dự đoán, thị trường lại có cả một tuần tăng điểm với khoảng 20,5 điểm của VN-Index và hết mức 550 điểm rồi 560 điểm đều bị vượt qua. Khó có thể nói là dòng vốn nước ngoài “can thiệp” vào giá trừ hai phiên cuối tuần - lại là hai phiên tăng yếu nhất. Theo anh chị điều gì khiến nhà đầu tư trong nước hứng khởi như vậy, mua mạnh hơn, đẩy giá cao hơn và không tạo nên một nhịp điều chỉnh như chờ đợi?
Không thực sự chính xác nếu nói tuần qua là một tuần giao dịch hứng khởi, tỷ suất sinh lời của tuần qua với các nhà đầu tư tham gia thị trường tôi tin rằng thấp hơn so với tuần trước đó.
Sự hứng khởi có chăng nó được nhìn thấy từ bề ngoài thông qua diễn biến các chỉ số khi các cổ phiếu blue-chips hàng đầu như MSN, GAS, STB… được kéo mạnh từ các tài khoản nước ngoài. Ảnh hưởng từ vốn ngoại thậm chí là rõ rệt hơn tuần trước đó.
Một ý nữa, đã 14 phiên giao dịch kể từ khi thị trường chạm đáy ngắn hạn, thanh khoản vẫn đều đều vậy mà không có một sự bứt phá - bùng nổ theo đà nào. Khi một xu hướng tích cực được xác lập, thường sự bùng nổ theo đà sẽ xảy ra vào phiên thứ 4 tới phiên thứ 7 sau đáy; điều này đang không diễn ra, dòng tiền vẫn đang khá thờ ơ với thị trường.
Sự hứng khởi, một lần nữa, không được nhận thấy từ bản chất.
Câu chuyện biển Đông đã trở nên nhàm chán với thị trường, các nhà đầu tư đều tin rằng khó có những diễn biến xấu hơn, và đã tự tin mua gom cổ phiếu vào hơn trong tuần qua.
Mặt khác, các chuyên gia tư vấn đã nhầm lẫn, khi không tính toán kỹ lưỡng các mốc điều chỉnh Fibo khi mà ngưỡng siêu kháng cự không nằm ở mốc 555 điểm mà là ở ngưỡng 568 - 570 điểm.
Điều đó thể hiện qua việc khi mà mọi nhà đầu tư mong chờ điều chỉnh ở ngưỡng 555 điểm thì VN-Index tiếp tục tăng điểm trong nghi ngờ, và khi mốc tâm lý vị phá vỡ, nhiều nhà đầu tư đã mạnh tay vào hơn. Chúng ta cũng đã thấy thanh khoản hai sàn tăng đáng kể trong tuần qua.
Cuối cùng đó chính là câu chuyện của các cổ phiếu lớn đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm - những cổ phiếu tốt đang ở mức giá hấp dẫn mọi nhà đầu tư cá nhân cũng như là tổ chức.
Trong khi nhiều cổ phiếu nhỏ vẫn giảm giá hoặc giao dịch không có gì nổi trội thì những cổ phiếu cơ bản và các cổ phiếu đầu ngành lại thu hút dòng tiền và vô hình chung, một số cổ phiếu lớn tăng giá kèm theo chỉ số chung tăng.
Tôi cho rằng, chuỗi ngày mua ròng liên tục với giá trị lớn của khối ngoại trong tháng 5 phần nào tạo dựng lại niềm tin của nhà đầu tư trong nước vào xu hướng tích cực của thị trường.
Bên cạnh đó, các dự báo từ đầu tuần trước cho thấy ETF VNM có thể mua ròng mạnh tại thị trường Việt Nam trong kỳ review tới, kỳ vọng này khiến nhiều nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận rủi ro ở mức cao hơn để tìm kiếm lợi nhuận.
Như thường lệ, việc khởi tạo cuộc chơi về dòng tiền và nhóm mã cổ phiếu ở các thời điểm quyết định vẫn thuộc về các nhà đầu tư ngoại và các tổ chức.
Các nhà đầu tư trong nước đã cuốn theo các phiên tạo đà của hai nhóm nhà đầu tư quan trọng này tạo ra các cú bứt phá ngoạn mục của chỉ số khi vượt qua 550 điểm rồi 560 điểm.
Đà tăng điểm chậm lại trong phiên giao dịch trước diễn biến chốt danh mục của các quỹ nước ngoài trong ngày cuối tuần là điểm đáng chú ý.
Theo nhận định của tôi, các nhà đầu tư nhỏ lẻ nên bình tĩnh và chủ động hơn trước các phiên giao dịch sôi động sau các phiên tạo đà của khối ngoại để có được trạng thái giao dịch tốt hơn.
Dù thị trường tăng điểm khá tốt trong tuần, phần lớn nhờ cầu nội, tôi cho rằng diễn biến này chưa vượt quá một nhịp sóng hồi.
Hãy nhớ thị trường đã có nhịp giảm quá đà trước đó, nên nhịp hồi có thể vượt xa kỳ vọng thông thường.
Tôi cho rằng có hai nguyên nhân chính khiến cho lực mua vào mạnh như vậy.
Thứ nhất, giá các cổ phiếu về mức tương đối rẻ so với đầu năm sẽ phần nào thu hút dòng tiền đầu tư dài hạn. Thứ hai, một bộ phận nhà đầu tư sau nhịp mua bán không thành công trước đó sẽ dễ sinh ra tâm lý gỡ gạc.
Những con số sẽ làm thức tỉnh thị trường
Hai thông tin vĩ mô quan trọng nhất trong tuần là mức tăng trưởng tín dụng đến 23/5 chỉ là 1,31% trong khi hết tháng 5 năm ngoái là xấp xỉ 3% và dự báo kịch bản xấu cho tăng trưởng GDP năm 2014 chỉ từ 4,15%-4,88%. Anh chị đánh giá thế nào về những con số này? Liệu điều này có tác động đến thị trường?
Tôi cho rằng diễn biến vĩ mô không thực sự thuận lợi ít nhất là trong giai đoạn hiện nay cho mọi giao dịch chứng khoán. Mọi số liệu tăng trưởng kinh tế đều kém khả quan và điều này chắc chắn tác động đến thanh khoản và niềm tin của nhà đầu vào thị trường.
Tuy nhiên, trong đầu tư chứng khoán, có những giai đoạn thị trường không có giao dịch khởi sắc thì thông thường thời điểm đó sẽ có những thông tin không mấy tích cực đến thị trường và điều này sẽ thay đổi khi thị trường xuất hiện những thông tin vĩ mô hỗ trợ tốt hơn. Lúc đó sóng đầu tư cổ phiếu lại xuất hiện, và niềm tin nhà đầu tư lại quay lại.
Có thể chúng đang trong giai đoạn phục hồi của nền kinh tế, tuy nhiên, những diễn biến quá thuận lợi của thị trường chứng khoán hai năm qua đã khiến cho nhà đầu tư kỳ vọng quá lớn vào sự phục hồi này.
Tôi cho rằng những con số trên sẽ làm thức tỉnh thị trường, để chúng ta thấy rằng sự hồi phục tuy có, nhưng còn nhiều khó khăn hơn chúng ta tưởng. Thị trường chứng khoán vì thế có thể vẫn có cơ hội nhưng không quá xuôi chèo mát mái trong một thời gian.
Hai thông tin tiêu cực về tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 5 và dự báo tăng trưởng GDP có thể đạt thấp dưới 5% là những cản trở lớn đến niềm tin và lực cầu của nhà đầu tư đang hừng hực khí thế quay trở lại thị trường, sau một thời gian điều chỉnh nhanh và mạnh.
Tăng trưởng tín dụng vẫn được coi là hàn thử biểu quan trọng đo lường khả năng hấp thụ vốn từ ngân hàng ra tới các doanh nghiệp trong nền kình tế. Vì vậy, với mức tăng trưởng thấp như vậy, sự hoài nghi về sự phục hồi kinh tế thực sự đã diễn ra hay chưa có thể lại lặp lại.
Tuy nhiên, tôi cho rằng việc dự báo tăng trưởng GDP thấp chỉ là một kịch bản và đó không phải một câu trả lời mang tính khẳng định của chuyên gia kinh tế.
Theo quan sát của mình, tôi thấy một điểm rằng, cả hai biến số trên đều có sự tương quan thuận với diễn biến thị trường chứng khoán. Tôi không chắc về kịch bản GDP được dự báo, nhưng rõ ràng những thông tin mới về tăng trưởng tín dụng không phải là một tín hiệu lạc quan.
Tăng trưởng tín dụng đến 23/5 chỉ là 1,31%, ở mức rất thấp, cho thấy cầu trong nền kinh tế còn yếu. Tăng trưởng tín dụng thấp sẽ có tác động không tích cực tới mức tăng trưởng GDP, từ đó có thể làm giảm kỳ vọng ở mức tăng trưởng của các chỉ số chứng khoán.
Tuy nhiên, ở góc nhìn khác mức tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy quá trình “giảm đòn bẩy” tài chính của nhiều doanh nghiệp vẫn đang diễn ra.
Chỉ những doanh nghiệp có dự án hiệu quả mới tiếp cận được nguồn tín dụng, điều này sẽ làm gia tăng mức độ phân hóa giữa các doanh nghiệp và đây là cơ sở để các quỹ đầu tư tính toán, cơ cấu lại danh mục.
Chú trọng giải ngân an toàn
Trái với những lo ngại tuần trước, tuần này thị trường lại tăng khá tốt với mức tăng của VN-Index là 3,8%. Anh chị có bất ngờ với diễn biến này và có thực hiện giao dịch phản ứng nhanh hay không? Tỉ trọng phân bổ danh mục hiện tại là như thế nào?
Cá nhân tôi cũng khá bất ngờ với chuỗi tăng điểm liên tục 5 phiên trong tuần vừa qua và thực sự cảm thấy tiếc do bán sớm một số cổ phiếu đang nắm giữ.
Tuy nhiên tôi không ủng hộ cho phương án mua thêm trong tuần vừa qua bởi tôi cho rằng mốc điều chỉnh kỹ thuật 568 - 570 khá mạnh và thị trường chỉ cần 1-2 phiên tăng mạnh sẽ chạm ngay ngưỡng đó và điều chỉnh.
Tôi nghiêng việc giải ngân an toàn đúng thời điểm, hơn là việc mua đuổi.
Tỷ trọng cổ phiếu/tiền hiện nay tôi cho rằng là hợp lý là 10%/90%. Ưu tiên tiền mặt trong tài khoản.
Thị trường chứng khoán luôn có những bất ngờ, nhưng những diễn biến của tuần qua không đủ bất ngờ để tôi thay đổi quan điểm của mình về nhìn nhận xu hướng thị trường cũng như quan điểm đầu tư. Tôi vẫn trong trạng thái nghỉ ngơi và hoàn toàn cầm tiền.
Khi chỉ số đang tiến gần các ngưỡng kháng cự mạnh dần trong khi tiến tới 570 điểm và chủ yếu là do hoạt động kéo trụ của các nhà đầu tư nước ngoài, sự thận trọng nên được đặt lên hàng đầu. Có thể chỉ số sẽ tiến xa hơn mức hiện tại nhưng điều đó không phải là cơ sở chắc chắn cho sự đi lên vững chắc của danh mục.
Tỷ lệ cầm tiền mặt nên ở mức 90% và chỉ nên để 10% danh mục phân bổ vào cổ phiếu lớn có kết quả kinh doanh quý 2 dự kiến khả quan. Thị trường có thể có những sự điều chỉnh trở lại sau một quãng thời gian ngắn hồi phục khá mạnh.
Dù giữ tỷ lệ cổ phiếu cao trong nhịp hồi nhưng tôi đã chốt lời quá sớm vào tuần trước. Vẫn bảo lưu quan điểm nhịp hồi, tôi vẫn chưa gia tăng tỷ trọng, giữ nguyên tỷ lệ cổ phiếu 20%.
Mức tăng mạnh của VN-Index trong tuần qua là khá bất ngờ trong bối cảnh thông tin hỗ trợ chưa xuất hiện nhiều. Hiện tại, tỷ trọng cổ phiếu của tôi chưa thay đổi, duy trì ở mức 60%, tuy nhiên tỷ trọng này sẽ được xem xét giảm trong tuần tới.
Nhằm giúp bạn đọc/nhà đầu tư chứng khoán có thêm những góc nhìn tham khảo uy tín, đến từ các chuyên gia hàng đầu trên thị trường, bắt đầu từ tháng 1/2014, VnEconomy mở thêm chuyên mục tọa đàm định kỳ hàng tuần mang tên “Xu thế dòng tiền”.
“Xu thế dòng tiền” hội tụ những chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm đến từ các công ty chứng khoán, là những người bám sát thị trường, có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến thị trường thông qua các hoạt động giao dịch, hoạt động tư vấn đầu tư. Ở vị trí điều phối cuộc tọa đàm là nhà báo Nguyễn Hoàng, người phụ trách Ban Chứng khoán của VnEconomy.
VnEconomy và các chuyên gia không chịu trách nhiệm trước những thiệt hại nếu có trong hoạt động đầu tư dựa trên những nhận định được đăng tải. Các chuyên gia là những thành viên tham gia thị trường, trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến các hoạt động đầu tư thực tế, do vậy, các quan điểm nhận định cũng như phương pháp đầu tư có thể dẫn đến những xung đột lợi ích. |
0 comments:
Đăng nhận xét