Hà Nội cần học gì từ các thủ đô láng giềng?
Qua cơn giông lốc dữ ngày 13/6 tại Hà Nội, mà thống kê khí tượng cho thấy đã 30 năm mới có lại, người HN nói chung, và các đô thị khác nói riêng cần có giải pháp phòng tránh thiên tai, cụ thể là giảm sinh nhiệt, tích nhiệt.
Thảm cây xanh cần được ưu tiên
Thực ra HN hay các thành thị đông dân đều có chung những vấn đề như trên, chỉ khác nhau là giải pháp. Nhưng chưa giải pháp nào tích cực, rẻ và bền hơn thảm xanh vì nó có khả năng hấp thụ khí nhà kính- tức là giải nhiệt, giảm khói, giảm ồn, cản gió... Như vậy cần thiết phải có hệ thống biện pháp đồng bộ chống tích nhiệt và tích cực giải nhiệt- mà sinh thái, thân thiện nhất vẫn phải bằng hệ thực vật.
Nhìn các đô thị lớn của các nước quanh ta họ trồng cả vườn cây lớn trên cao, như những vườn treo, là nhằm giải nhiệt và chống tích nhiệt. Bài học này cần sớm nhân rộng ra mọi công trình, mọi thị tứ trong cả nước.
Điều đáng buồn là nước ta đã phá vỡ những quy hoạch khoa học trước đó vì quá trình quản lý yếu kém ngay sau chiến tranh. Thủ đô HN là nơi hơn 30 năm trước còn khả dĩ chấp nhận được với mật độ cây xanh tính trên mỗi cư dân còn khá. Từ đó tới nay tỉ lệ này giảm sút quá nhanh, xuống dưới mức 04 mét vuông đầu người, nên hậu quả ngày càng nặng nề.
Trong trận giông lốc lịch sử, rất nhiều cây bị đổ. Ảnh: Trần Sỹ Thuần/ Otofun |
Quy hoạch cây xanh HN lâu nay rất lúng túng, vì thiếu chuyên sâu. Thiết nghĩ, cần có những hướng đi và tầm nhìn sâu rộng hơn, thân thiện và thiết thực hơn.
Có thể thấy rằng những cây đại thụ của hàng trăm năm trước không kịp thích nghi với sự thay đổi môi trường sống ngày nay, như các loại Muỗm ở Voi Phục hay cây Ruối ở Hà Đông… Ngay cả những quy hoạch thời Pháp cũng cần xem xét lại để sát thực tế hơn và có thể hoàn thiện.
Những thay đổi ấy trước nhất là sự lún sụt của đô thị ven sông trên nền đất yếu. Chỉ hơn 700 năm mà các dấu tích kinh đô của nhà Trần trong Hoàng thành đã vùi sâu vài mét đất. Ta càng chất tải lên nền ấy bằng các công trình, nhà cửa; rồi hút nước sinh hoạt, sản xuất; hút cát ven sông để xây dựng, san lấp,… thì sụt lún càng nhanh. Tình trạng ngập sẽ ngày càng lan rộng, thể hiện đầu thoát nước ra cao hơn chỗ ngập, và nhất là thủy cấp của nước mặt ngày càng cao lên nhanh.
Khói bụi và khí thải tăng cao cũng là một vấn đề. Ai đi qua Ao Bà Om của Trà Vinh trước đây đều thấy rừng Sao, Dầu, Vênh vênh trong vườn chùa Miên quanh năm xanh tốt. Nay mở đường lớn chạy gần đó, nhiều tán lá suy kiệt, trơ rụng. Trong vườn Bách Thảo HN cũng thể, vài loại có vẻ chịu đựng được, còn phần lớn có biểu hiện già cỗi, suy tàn.
Tệ hại nhất có thể kể đến là nước thải, do những khu vực dân cư và sản xuất đã sự thiếu quan tâm khép chặt từ buổi đầu vào luật lệ đô thị, nay thì đâu đâu cũng tùy tiện xả rác, xả thải. Độc chất các loại từ đó thấm vào tầng rễ cũng khiến cây xanh phải lụi dần, sâu mọt tấn công và ngã đổ.
Như vậy, để phủ xanh Thủ đô, trước nhất là… phủ xanh nhận thức cho mọi cư dân biết bảo vệ môi sinh đô thị. Kế đó là các giải pháp quản lý tốt hơn, kể cả việc kiên quyết giãn dân, chuyển các trung tâm ra ngoại thị.
Giải pháp trước mắt, là giữ lại những cây lớn còn xanh tốt chưa bị xâm hại vì công việc kiến thiết đô thị bấy lâu nay, đồng thời phải thường xuyên điều tiết cành nhánh, tránh để quá lớn rồi cắt, trông rất xấu và gây nguy hiểm. Việc thay cây trên các tuyến phố phải cẩn thận vì rất khó sửa sai. Phần cây trồng cho các công viên, tuyến phố mới và ven đường giao thông buộc phải có thiết kế cơ bản thật tốt, tránh việc làm đi làm lại tốn kém như trước nay.
Nên trồng cây gì cho Hà Nội?
Từ kinh nghiệm thiết kế cây xanh của các thủ đô láng giềng, cũng như các đô thị có những điều kiện tương tự, một số điểm cần lưu ý đối với cây đô thị HN chính là:
-Không thể theo hình mẫu cây Sao đen ở phố Lò Đúc vì cây họ sao dầu khi về già, cành có gỗ lõi rất dễ gãy nhánh. Nếu trồng sao, phải trồng từ cây nhỏ, giữ rễ cọc, chăm sóc tích cực. Ưu thế hơn hẳn của loài này là rễ sâu, chịu nước, lá bóng thường xanh nên ít bị gió bão hay mưa tác động. Tất nhiên những loài tán đặc, cành mềm cũng không thích hợp.
-Trong 03 thứ khác nhau của loài Xà cừ, như dọc đường Phạm Văn Đồng, người ta chú ý đến giống có bản lá nhỏ, cành dai, tán rỗng, rễ không ăn ngang, thường được gọi là Sọ khỉ. Về lâu dài cần chọn cây có dáng đẹp, thích hợp đất hẹp để tạo giống vô tính, tránh bớt được việc cắt tỉa mà dáng cây đường phố vẫn tương đối đều nhau.
-Nhiều cây họ phượng như Lim Xẹt, Muồng Xiêm, Muồng Hoa đào, Me… nhờ lá kép nhỏ ít đọng nước, ưa nắng, tán dù,… được các thủ đô lân bang ưa trồng, cũng nên khuyến khích bình tuyển để bố trí.
-Hiện các đô thị miền Trung trồng nhiều nơi một loại cây xanh họ Đậu, hoa vàng, dễ sống, thường xanh, gọi là cây Hương (khác với Giáng hương) rất có triển vọng trồng được ven đường, ven phố HN.
- Ngoài ra, các loài thuộc họ Sanh Si, Cau Dừa cũng nên chú ý chọn lựa, vì chúng có dáng đẹp, khá bền, ít làm hư hỏng công trình dưới đất hay mặt đường.
-Việc chọn lựa những loài có hoa tươi như Bằng Lăng, Xoan, Lộc vừng, cây Gạo,...; cây có lá đổi màu theo mùa như Bàng, Cơm nguội, dây leo gỗ có hoa sáng, mùi thơm như Sử quân tử, bông Giấy… đều phải được chọn lựa nhân vô tính và cẩn tắc khi bố trí để tạo cảnh quan.
Công nghệ bình tuyển, chọn giống, nhân giống cây đường phố như vừa giới thiệu sơ lược các yêu cầu, cho thấy Thủ đô phải có rất nhiều cố gắng từ đầu tư, nghiên cứu, học hỏi. Hơn nữa, công nghệ trồng cây cũng phải thay đổi, với máy móc chuyên dùng để trồng cây rễ sâu (rễ cọc), cây lớn sẵn…
Đặc biệt, dù loài cây nào cũng không thể thiếu sự thoáng đãng cho hệ rễ. Rất tiếc là HN và nhiều đô thị đang phủ kín mặt đất bằng đá lát, phủ xi măng, xếp đá và gạch quá chặt, thay vì nên dành ra một diện tích tương thích để trồng cỏ. Những loại cỏ hoa dưới bóng hiện có rất nhiều giống, dễ trồng sẽ giúp cho mặt đất thêm thân thiện với con người và bền vững cho môi trường..
Cuối cùng, giải pháp tự phủ xanh của cư dân đô thị đóng vai trò rất quan trọng. Thủ đô nên phát triển việc trồng cây ưa bóng (house plant) để giải quyết những vấn đề vi khí hậu, trong nhà, trong phòng ở sở làm và cả những không gian chung như trường học, bệnh viện, bến xe tàu, sân bay,… Bên cạnh đó là việc trồng cây trang trí ngoài cửa (out door plant) dạng trong chậu, chậu treo, các giàn hoa che nắng, vòm cửa cổng,…
Nếu làm được những công việc ấy, trước mắt Thủ đô sẽ tránh được nguy cơ giông nhiệt, tố lốc đầu mùa mưa; giảm bớt tác động bất thuận của thời tiết trong mùa nắng cũng như tránh được những tai nạn cây xanh không ai mong muốn.
Đoàn Nam Sinh (Giảng viên Công nghệ sinh học ĐH Nông Lâm TP. HCM, Chuyên ngành Sinh học Thực vật)
0 comments:
Đăng nhận xét