Tại sao đừng bao giờ vay tiền người thân cho các dự án khởi nghiệp?
Billvn - Theo Trí Thức TrẻQuyết định vay vốn bạn bè và người thân để khởi nghiệp có thể khiến bạn hối hận trong tương lai.
Bạn làm gì khi có ý tưởng về một dự án khởi nghiệp (startup) khá hoành tráng? Nghĩ ngay đến gia đình và bạn bè vì họ có thể là những nhà đầu tư hào phóng nhất? Tuy nhiên, điều này chưa hẳn đã là một giải pháp tối ưu.
Hãy lắng nghe một bài chia sẻ trên website Thenextweb của một người từng trãi qua nhiều dự án startup trước khi quyết định về các kênh huy động vốn cho dự án mới. Vì theo tác giả thì việc làm này có thể sẽ "giết chết" các mối quan hệ với bạn bè và người thân cho tương lai.
Anh chàng này cho biết:
"Bảy năm trước, suy thoái kinh tế dẫn đến công ty tôi phá sản và tôi có ý định tìm hướng đi riêng cho mình bằng cách lập một công ty trực tuyến. Nhưng có một điều quan trọng nhất là tôi không biết gì về doanh nghiệp trực tuyến".
"Tôi bắt đầu đọc blog về kinh doanh và vô số những câu chuyện thành công của các bạn trẻ khi họ quyên tiền từ bạn bè, gia đình để khởi nghiệp cho đến khi họ giành được thành công cuối cùng. Có vẻ như đây là một cách bắt đầu dễ dàng: mượn tiền từ bạn bè và gia đình, xây dựng doanh nghiệp của bạn và sau đó quyết định làm thế nào để mở rộng.
Và rồi tôi quyết định rằng mình cần tiền để xây dựng một doanh nghiệp, tôi sẽ "nhờ cậy" bạn bè và gia đình mình.
Tôi bắt đầu chương trình khởi nghiệp của mình vào năm 2007: một công ty tên là Lapox với tham vọng thổi bay Yahoo.com. Tôi biết, nó có vẻ hơi vô lý (nhưng lúc đó tôi không nghĩ như vậy).
Tôi cố gắng huy động 50 nghìn USD từ bạn bè và gia đình và một số nhà đầu tư. Kết quả là tôi chẳng thu được một xu nào. Lúc đó, có lẽ một vài người bạn đã cố khuyên can ý tưởng của tôi. Sau một vài tháng không thành công, tôi quyết định từ bỏ ý tưởng của mình.
Tôi bắt đầu một dự án khởi động khác tên là Nigmo vào năm 2008. Nigmo là một cửa hàng thương mại điện tử chuyên kinh doanh các phụ kiện điện thoại thông minh. Tôi không cần huy động tiền từ đầu và cửa hàng đã đạt được sự tăng trưởng đáng kể ngay sau đó. Trong năm đầu hoạt động, tôi đạt doanh thu 100.000 USD.
Tôi mất khoảng 1 năm để nhận ra rằng thị trường phụ kiện điện thoại di động đã rất đông đúc các nhà cung cấp và thật khó để xây dựng một doanh nghiệp có lợi nhuận cao từ sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ. Vậy là tôi suy nghĩ vài ngày trước khi quyết định kết thúc dự án thứ hai của mình.
Lần thứ 3, tôi khởi đầu với một dự án tiếp thị và cũng không cần huy động vốn ban đầu. Và rồi sau đó tôi cũng nhanh chóng chấm dứt dự án này.
Kế tiếp, tôi thử sức với Idooble, một hình thức thương mại điện tử dựa trên các mạng xã hội. Với dự án này, người dùng chỉ có thể giới thiệu các sản phẩm mà họ đã mua cho bạn bè thông qua việc chia sẻ các liên kết trên mạng xã hội. Idooble cần nhiều vốn để tiến hành và tôi bắt đầu nghĩ đến những gì mình đã từng đọc năm 2007. Tôi đã vay tổng cộng 600 nghìn USD từ những người bạn thân của tôi ở Toronto và Moscow và thêm 300 nghìn USD của tôi để đầu tư cho dự án.
Trong 18 tháng tiếp theo, tôi chi phí 900 nghìn USD cho một công ty với quy mô 30 nhân viên và 40.000 khách hàng trước khi nhận ra rằng mình không biết làm cách nào để mở rộng quy mô công ty hơn nữa. Chúng tôi cần rất nhiều vốn để tiếp tục mở rộng kinh doanh. Cuối cùng, tôi đã phải đóng cửa công ty của mình.
Chỉ trong vòng một ngày, tôi mất 40.000 khách hàng và cả 600 nghìn USD mượn từ bạn bè, tất nhiên là tôi phải trả lại cho họ.
Tôi biết không chỉ mình tôi rơi vào tình trạng này, rất nhiều người khởi nghiệp bằng cách vay mượn từ gia đình và bạn bè và có đến 90% doanh nghiệp thất bại ngay trong năm đầu tiên hoạt động.
Nếu bạn đánh mất tiền từ bạn bè và gia đình thì hãy nhớ: bạn phải trả lại tiền, bạn không thể lấy cắp đi số tiền của những người thân được. Và bạn cũng không thể tuyên bố phá sản và không chịu trách nhiệm từ điều này được. Nếu không làm được như vậy, bạn sẽ đánh mất niềm tin hay tệ hơn là bạn chẳng còn bạn bè hay người thân gì cả.
Gần đây, tôi có một cuộc họp với một doanh nhân trẻ, một người đang muốn khởi nghiệp với một dự án đủ sức cạnh tranh với Viber. Anh ta tự tin mình sẽ giành được 600 triệu người dùng trong một năm và đè bẹp Viber.
Anh ta xây dựng kế hoạch và muốn huy động vốn từ tôi. Và tôi nghĩ rằng còn quá sớm để làm điều này.
Tôi nhớ tôi đã từng như anh chàng này: đôi mắt hoang dã đầy nhiệt huyết, háo hức và mù quáng vào thành công của dự án. Tôi nghĩ rằng bất kỳ doanh nghiệp nào cũng háo hức và hơi mù quáng vào giai đoạn đầu của nó.
Tôi chắc rằng không chỉ tôi mà còn nhiều bạn đang có ý tưởng làm "một cái gì đó" có thể thay đổi cả thế giới. Tôi có một lời khuyên khiêm tốn dành cho bạn: Nếu bạn đang tìm kiếm cách để nâng cao số vốn và bạn không có một nguồn thu nhập thực tế từ sản phẩm của mình thì hãy: DỪNG LẠI!
Dưới đây là ba bài học kinh nghiệm mà tôi muốn truyền lại cho bạn:
1. Không bao giờ tăng tiền đầu tư hoặc vay vốn trước khi dự án của bạn đem lại lợi nhuận. Hãy chứng minh dự án khởi nghiệp của mình có thu nhập vững chắc trước khi quyết định vay vốn. Hãy nhớ rằng có đến 99% bạn sẽ thất bại, đồng nghĩa bạn cũng đối mặt với 99% nguy cơ nợ tiền từ việc huy động vốn của bạn bè và người thân. Ngay cả các doanh nhân đã có tiếng thì không phải lúc nào họ cũng thành công với dự án mới. Hãy chắc chắn về một nguồn thu nhập ổn định trước khi quyết định tăng hoặc vay vốn.
2. Không bao giờ mượn tiền từ gia đình và bạn bè nếu không muốn sẽ đánh mất các mối quan hệ này trong tương lai.
3. Không bao giờ bỏ công việc của bạn trước khi bạn có thu nhập để duy trì hoạt động. Tiền sẽ đến nếu có ý tưởng tốt? Điều này chỉ có trong cổ tích, thực tế thường ngược lại. Đừng bỏ ngay công việc hiện tại trước khi đạt được thành công với dự án mới.
Hãy cố gắng thực hiện dự án của bạn theo những bước sau:
Từ tháng thứ nhất đến tháng thứ 6: hãy tìm hiểu về các kỹ năng bạn thiếu, đừng vì quá hăng hái mà nhảy ngay vào khởi động dự án.
Sau khi xác định những kỹ năng còn thiếu như: Mã hóa? Thiết kế? Marketing? Ok, bạn hãy lên kế hoạch nghiên cứu hay thậm chí là học một cách đến nơi đến chốn những kỹ năng này vì nó cần thiết cho việc bạn triển khai và quản lý dự án sau này.
Từ tháng thứ 6 đến tháng 12: tập trung phát triển doanh thu.
Hãy làm cho doanh thu của dự án càng tăng nhanh càng tốt. Bạn có thể bán ý tưởng sản phẩm của mình và yêu cầu người mua trả trước tiền hoặc cố gắng hoàn thiện một sản phẩm ở mức tối thiểu để tìm kiếm doanh thu.
Mục đích cuối cùng là phải có doanh thu bước đầu từ dự án của bạn.
Từ tháng thứ 12 đến 24: tập trung phát triển doanh thu và bỏ qua giai đoạn phát triển sản phẩm (bạn đã hoàn thành nó ở bước trên).
Tập trung mở rộng doanh thu, có thể mất nhiều thời gian cố gắng để có thể đạt được một mức thu nhập nhất định cho bản thân , ví dụ như 30 nghìn USD/tháng chẳng hạn.
Từ tháng 24 đến 48: Phát triển bộ khung nhân sự chủ chốt.
Lúc này bạn đã có doanh thu vững chắc và cần thiết mở rộng quy mô công ty. Bạn có thể bắt đầu tuyển nhân sự thêm cho việc này nhưng không nên quyển quá nhanh, cần cân nhắc vị trí nào đòi hỏi chuyên môn gì để tìm người cho thích hợp. Hãy nhớ, đây là những nhân viên thân cận và quan trọng nhất của bạn sau này.
Từ tháng 48 trở đi: bạn có thể vay hoặc huy động vốn.
Tại thời điểm này, bạn đã có một đội ngũ từ 5 đến 8 người với số tiền 300 đến 500 nghìn USD trong tài khoản và một mức thu nhập vững chắc hàng tháng. Bây giờ bạn có thể nghĩ đến việc đầu tư mở rộng quy mô bằng cách vay vốn hay sử dụng tiền mặt từ tài khoản trong ngân hàng.
Nhóm của bạn có thể thảo luận: Công ty thật sự cần vốn đầu tư từ bên ngoài? Tại sao lại cần nguồn vốn này? Và làm thế nào để có được những tài trợ này?
Hãy nhớ, đừng quá nôn nóng với dự án mới dù cho bạn có tâm huyết với nó đến mức nào."
Tham khảo: Thenextweb
0 comments:
Đăng nhận xét