40 năm qua: Việt Nam đạt nhiều tiến bộ cho trẻ em
Thứ ba, 22/09/2015 - 12:27 PM (GMT+7)
NDĐT- Trong vòng 18 năm, tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới năm tuổi đã giảm 80%; tỷ lệ của người dân được sử dụng nước sạch tăng gấp đôi, lên đến 92%, Tỷ lệ tiêm chủng cao giúp Việt Nam thanh toán được bệnh bại liệt và uốn ván ở bà mẹ và trẻ sơ sinh. Ngày nay, hầu hết trẻ em đều được đến trường và được chăm sóc sức khỏe. Đó là những tiến bộ cho trẻ em của Việt Nam trong bốn thập kỷ qua.
Những điểm nhấn
Ngày 22-9, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và UNICEF.
Lãnh đạo Chính phủ cùng các vị khách quốc tế tại lễ kỷ niệm 40 năm hợp tác Việt Nam - UNICEF (Ảnh: Ngân Anh).
Điểm lại những điểm nhấn trong quá trình hợp tác bốn thập niên qua, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, từ thời gian đầu có mặt tại Việt Nam, Chương trình hợp tác quốc gia do UNICEF hỗ trợ đã có định hướng sẽ chuyển đổi dần từng bước cách thức hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam, từ cứu trợ khẩn cấp sau chiến tranh sang đáp ứng các nhu cầu cơ bản về giáo dục, y tế cho trẻ em. Đến nay, Chương trình này đang được tập trung vào mục tiêu cải thiện các dịch vụ xã hội, đặc biệt là việc xây dựng hệ thống luật pháp, chính sách để trẻ em Việt Nam được phát triển tối đa mọi khả năng của mình.
Sau 40 năm, Chính phủ Việt Nam và UNICEF đã có quá trình hợp tác tin cậy thông qua việc triển khai các chương trình cụ thể nhằm đáp ứng những nhu cầu cơ bản của trẻ em Việt Nam, với ba giai đoạn chính.
Giai đoạn thứ nhất (từ năm 1975 đến năm 1990), UNICEF đã hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh để hỗ trợ tốt nhất cho trẻ em. Trong thời gian này, hoạt động hỗ trợ tập trung chủ yếu vào xây dựng lại trường học cho trẻ em, đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp về y tế và nâng cấp các dịch vụ y tế ở nông thôn. Hai bên cũng tập trung hỗ trợ về dinh dưỡng, chăm sóc y tế cơ bản thông qua các chương trình về dinh dưỡng; nước sạch và vệ sinh môi trường; tiêm chủng mở rộng; kiểm soát bệnh tiêu chảy; phụ nữ trong phát triển và truyền thông…
Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nêu lên những dấu ấn trong giai đoạn này. Thí dụ, chương trình nước sạch nông thôn được bao phủ khắp toàn quốc vào năm 1993, được đánh giá là một trong những chương trình hợp tác mà UNICEF đã hỗ trợ thành công nhất tại Việt Nam. Chương trình tiêm chủng mở rộng đã bao phủ tới 85% trẻ em ở Việt Nam vào năm 1995, đã giúp Việt Nam thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2000 và bệnh uốn ván ở bà mẹ và trẻ sơ sinh vào năm 2005. Chương trình kiểm soát bệnh tiêu chảy đã triển khai ở 40 tỉnh, thành phố của Việt Nam và giúp bảo vệ được 62% trẻ em dưới năm tuổi trong cả nước vào năm 1990…
Giai đoạn thứ hai (từ năm 1990 đến 2005) là thời kỳ hình thành khung pháp lý đầu tiên và bước đầu thúc đẩy những hoạt động hợp tác về chuyên môn liên quan tới trẻ em. Với việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em vào tháng 2-1990, sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và UNICEF chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực chuyên môn sâu liên quan tới trẻ em như: xác định các nhóm dân số thiệt thòi nhất, chuyển định hướng chương trình sang các vấn đề về quyền trẻ em; tăng cường việc đưa trẻ em tới trường học, mở rộng mạng lưới và các dịch vụ về y tế, cũng như mở rộng việc cung cấp các dịch vụ này…
Giai đoạn thứ ba, từ năm 2006 đến nay, UNICEF hỗ trợ tăng cường năng lực quốc gia trong xây dựng chính sách, pháp luật cho trẻ em. Ở cấp quốc gia, trong tất cả các chương trình được Chính phủ phê duyệt thực hiện, UNICEF đều hỗ trợ cho các bộ, ngành xây dựng, sửa đổi, bổ sung pháp luật, chính sách và cải thiện các dịch vụ xã hội; tăng cường năng lực quốc gia trong việc xây dựng luật pháp, chính sách thân thiện hơn với trẻ em; nâng cao chất lượng của các dữ liệu và cách sử dụng các dữ liệu hiệu quả.
Bộ trưởng đánh giá, Chính phủ Việt Nam rất coi trọng hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật của UNICEF, đặc biệt là trong các lĩnh vực cải cách thể chế, hoàn thiện chính sách cho trẻ em, cũng như thực hiện các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập.
Giám đốc UNICEF khu vực châu Á - Thái Bình Dương Daniel Toole nhận định, cam kết của nước ta tiếp tục thực hiện quyền trẻ em, và những hành động để biến những cam kết này thành hiện thực đã giúp cho nhiều trẻ em Việt Nam có được một tương lai khỏe mạnh, an toàn và hiệu quả.
Ông Daniel Toole hy vọng, Việt Nam sẽ tiếp tục vai trò lãnh đạo và đi đầu này trong Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN), đặc biệt là trong Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền và những sáng kiến quan trọng như các diễn đàn trao đổi gần đây về ảnh hưởng của hội nhập kinh tế đối với quyền trẻ em.
Cùng suy nghĩ, cùng hành động cho trẻ em
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, chúng ta đã, đang và sẽ cùng suy nghĩ, cùng hành động, dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Việt Nam được đánh giá là đã hoàn thành cơ bản các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), trong đó có rất nhiều mục tiêu trực tiếp và gián tiếp liên quan tới bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và các bà mẹ. Nhìn lại hơn 30 năm qua, từ khi thực hiện quá trình Đổi mới, Việt Nam đã hình thành và phát triển các hệ thống vì con người, đặc biệt vì trẻ em. Trong thời gian tới, Việt Nam vẫn kiên trì đường lối đó. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn ưu tiên những thành quả phát triển cho con người, đặc biệt cho trẻ em.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, dù Việt Nam phát triển đến trình độ nào, cũng vẫn cần sự hợp tác của các tổ chức quốc tế, để chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam và những kinh nghiệm của thế giới, tạo thành những kinh nghiệm tốt nhất cho trẻ em.
Tiến sĩ Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam nhận định, khi nhìn lại, Việt Nam có nhiều điều để tự hào. Tuy nhiên, mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng, vẫn còn nhiều vấn đề quan trọng chưa được giải quyết, đặc biệt liên quan đến khoảng cách ngày càng gia tăng giữa người giàu và người nghèo, người Kinh và người dân tộc thiểu số, giữa người dân thành thị và nông thôn. Những đối tượng dễ bị tổn thương bao gồm người nghèo, phụ nữ và trẻ em, nhóm dân tộc thiểu số, người khuyết tật và người nhập cư. Do đó, giải quyết những vấn đề còn dang dở trong chương trình nghị sự các MDGs phải là ưu tiên đầu tiên cho các hoạt động sau năm 2015, cả cấp độ toàn cầu và Việt Nam. Việt Nam đã tham gia tích cực vào tiến trình này với những kế hoạch hành động phát triển vùng dân tộc thiểu số, các mốc quan trọng trong luật pháp về vấn đề quyền trẻ em, y tế và dinh dưỡng được cải thiện.
* Trong thời gian từ năm 1986 đến năm 2014, tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới năm tuổi đã giảm 80% và tỷ lệ của người dân được sử dụng nước sạch tăng gấp đôi, từ 41% lên đến 92%. Tỷ lệ tiêm chủng cao đã giúp Việt Nam thanh toán bệnh bại liệt và uốn ván ở bà mẹ, trẻ sơ sinh. Tỷ lệ vaccine bại liệt và viêm gan B ở Việt Nam cũng tăng nhanh.
Việt Nam cũng đạt được những bước tiến quan trọng trong thực hiện quyền trẻ em như thông qua Luật Nuôi con nuôi, phê chuẩn Công ước về quyền của người khuyết tật, thành lập tòa án chuyên trách đầu tiên về trẻ em - tòa án gia đình và người chưa thành niên, công nhận nghề công tác xã hội, thực hiện chế độ nghỉ thai sản sáu tháng, cấm quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi…
NGÂN ANH
0 comments:
Đăng nhận xét