Nhà làm luật đang nghiên cứu
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tư pháp ngày 31/12, ông Nguyễn Văn
Toàn – Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực - Bộ Tư pháp
cho biết, đến thời điểm hiện nay, chưa có quy định cụ thể về khai sinh,
hộ tịch cho trường hợp này.
Để xác định đấy là con của chồng đã mất, tòa phải tiến hành thủ tục giám
định ADN. Bản giám định ADN này phải chính xác 99,9999%. Sau khi có kết
quả giám định và kết luận của tòa án, UBND phường, xã mới căn cứ vào
đấy để cấp giấy khai sinh.
Vừa qua, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn
Hà Nội đã thực hiện thành công ca thụ tinh trong ống nghiệm giúp chị
Hoàng Thị Kim Dung (Pháp Vân, Hà Nội) sinh 2 đứa trẻ (sinh đôi) từ tinh
trùng của chồng là Hồ Sỹ Ngọc (đã mất cách đây 4 năm vì tai nạn giao
thông).
Theo Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm
muộn Hà Nội, đây là trường hợp thu tinh trong ống nghiệm vô cùng hy hữu.
Tuy nhiên, niềm vui của gia đình chị Dung cũng đặt ra cho người làm
luật nhiều câu hỏi như: Việc khai sinh, hộ tịch, quốc tịch của các cháu
bé này sẽ được thực hiện như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực - Bộ Tư pháp |
Theo ông Toàn, trong Điều 2, Nghị định
số 12/2003 của Chính phủ chỉ áp dụng với trường hợp vô sinh, sinh con
theo phương pháp khoa học, phụ nữ sống độc thân. Đối với trường hợp của
chị Dung, Nghị định này cũng chưa quy định.
Ông Toàn đặt vấn đề, trường hợp người
phụ nữ sinh con từ tinh trùng của người chồng đã mất có thể xét vào
trường hợp là người phụ nữ độc thân, sinh con theo phương pháp khoa học.
“Tuy nhiên trong Nghị định này chỉ quy
định phụ nữ sinh con theo phương pháp khoa học từ tinh trùng người khác,
chứ chưa có quy định lấy tinh trùng của người chồng đã chết. Trường hợp
này chúng tôi sẽ nghiên cứu và đưa vào quy định của pháp luật”, ông
Toàn nói.
Vấn đề quốc tịch, luật cũng quy định,
đối với trường hợp sinh “con ngoài giá thú” sẽ mang quốc tịch và dân tộc
của mẹ. Tuy nhiên, theo ông Trần Tiến Dũng – Chánh Văn phòng Bộ Tư
pháp, đối với trường hợp của hai con của chị Dung là một trường hợp cụ
thể, nên pháp luật hộ tịch đăng ký khai sinh chưa thể tính đến.
Đặt vấn đề việc áp dụng quốc tịch cho
trường hợp sinh con từ tinh trùng của người chồng đã chết theo kiểu sinh
“con ngoài giá thú”, ông Dũng cho rằng, như vậy là không phù hợp.
Theo lập luận của ông Dũng, ở trường hợp
này, cha đứa bé đã được xác định. “Cho nên chúng tôi sẽ có nghiên cứu
và trong quá trình sửa đổi sau này để đưa vào những trường hợp đặc biệt.
Ở đây có điểm rất rõ nữa là tính nhân đạo”, ông Dũng nói.
Rắc rối về mặt pháp lý
Phân tích về trường hợp sinh con từ tinh
trùng của người chồng đã mất, luật sư Vũ Ngọc Chi – Đoàn Luật sư Hà Nội
cho rằng, hiện nay, UBND phường, xã nơi gia đình cư trú chưa thể tùy
tiện cung cấp giấy chứng nhận khai sinh của hai cháu bé sinh đôi theo họ
cha được. “Theo luật, người bố mất thì hôn nhân giữa hai vợ chồng cũng
chấm dứt”, luật sư Chi nói.
Cho nên theo luật sư Chi, để làm giấy
khai sinh của hai bé sinh đôi này phải xảy ra một vụ kiện dân sự ở tòa
về việc đặt tên, họ của hai bé theo người cha đã mất.
Bác sĩ thực hiện ca thụ tinh trong ống nghiệm hy hữu và mẹ con chị Dung. |
“Nếu phường, xã cấp giấy khai sinh theo
giấy tờ chứng nhận vụ tai nạn hay chứng nhận của bệnh viện vẫn chưa đủ
cơ sở pháp lý. Hai cơ sở này chưa có đủ căn cứ pháp luật để khẳng định,
đấy là đứa con của người chồng đã mất”, luật sư Chi phân tích.
Một vấn đề cũng được luật sư Chi đặt ra
là thừa kế tài sản. Theo luật thừa kế, để nhận được thừa kế, “con phải
thành thai trước khi người để lại tài sản đã mất”. Trường hợp này, người
bố đã mất được 4 năm thì người con mới thành thai. Nếu áp dụng theo
luật, hai người con này không phải là người thừa kế tài sản của người bố
đã mất để lại.
Từ phân tích của mình, luật sư Chi cũng
cho rằng, ở đây sẽ xảy ra mâu thuẫn trong thi hành luật. Nếu bản án của
tòa xác định, hai đứa bé là con người bố đã mất thì các cháu sẽ là người
thừa kế.
Tuy nhiên, áp dụng luật thừa kế vào
trường hợp này sẽ tạo nên sự “va chạm” khi luật này quy định, “Người
thừa kế phải là người thành thai khi người để lại tài sản đã mất”. Do
vậy, dù có bản án kết luận của tòa, hai bé không được hưởng tài sản để
lại.
Từ vấn đề này, luật sư Chi nhìn nhận,
luật hiện nay vẫn còn bất cập, chưa cập nhật được tiến bộ của khoa học
kỹ thuật đối với đời sống, đặc biệt là đối với những trường hợp chưa
từng xảy ra.
Lấy ví dụ cụ thể cho trường hợp của gia
đình chị Dung, luật sư Chi cho rằng, người chồng đã mất rồi nhưng tinh
trùng của người chồng vẫn được lưu giữ. “Khoa học kỹ thuật đã làm được
như vậy, thì luật cũng phải đi theo”, luật sư Chi nói.
Do vậy, luật cần phải sửa đổi luật phù
hợp với thực tiễn của đời sống thì mới đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp
pháp của mỗi công dân./.
Việt Đức/VOV online
VOV.VN -Trong luật, nghị định chưa có hướng dẫn về khai sinh, hộ tịch… cho 2 bé sinh ống nghiệm từ tinh trùng người cha đã mất.
0 comments:
Đăng nhận xét