Ngày 27-5, Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội (QH) khóa XIII sang ngày làm việc thứ bảy. Buổi sáng, QH thảo luận ở tổ về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Buổi chiều, QH nghe đại diện Chính phủ trình bày Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề và báo cáo thẩm tra dự án luật này; thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi).
Phát triển hài hòa thị trường bất động sản
Thảo luận ở tổ về Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng, cần phân loại nhà ở theo tiêu chí thống nhất, như: mục đích sử dụng hoặc theo chủ thể sở hữu, tránh chồng chéo, mâu thuẫn, bảo đảm tính thực thi của các văn bản pháp luật, thống nhất với các bộ luật liên quan như: Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Di sản.
Về quy định hạn sử dụng đối với nhà chung cư, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) và một số đại biểu khác đề nghị, dự thảo cần quy định rõ thời hạn sử dụng được xác định theo tiêu chí nào, theo tiêu chuẩn chất lượng xây dựng hay theo thời gian sử dụng được xác định trong hợp đồng mua căn hộ với chủ đầu tư.
Đối với chính sách phát triển nhà ở công vụ, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, không nên phát triển nhà ở công vụ tràn lan, gây lãng phí ngân sách nhà nước. Đa số các đại biểu đề xuất chỉ những trường hợp thật sự cần thiết mới sử dụng nhà công vụ.
Thảo luận về Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), nhiều đại biểu quan tâm quy định về phạm vi kinh doanh bất động sản của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài. Một số đại biểu đề nghị, cần xem xét lại quy định cho phép tất cả các tổ chức, cá nhân nước ngoài được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện các hoạt động kinh doanh bất động sản. Vì điều này chưa phù hợp Luật Đất đai.
Đa số các ý kiến đại biểu QH tán thành việc nâng cao điều kiện để tổ chức, cá nhân được kinh doanh bất động sản. Quy định này sẽ hạn chế những chủ thể kinh doanh bất động sản có năng lực tài chính yếu, tham gia thị trường mang tính chất manh mún.
Cân nhắc vấn đề mang thai hộ và hôn nhân đồng tính
Buổi chiều, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi).
Liên quan vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, nhiều ý kiến tán thành đưa quy định này vào dự thảo luật. Theo các đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu), Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định), việc bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có ý nghĩa nhân văn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn là có một số cặp vợ chồng không có khả năng sinh con mong muốn được thực hiện quyền làm cha mẹ. Trong khi hiện nay ở nước ta đã có một số cơ sở y tế đã thực hiện được các kỹ thuật này. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc khi đưa quy định này vào dự thảo luật. Theo đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đác Nông), với sự phát triển của khoa học, đến nay, Việt Nam đã đủ điều kiện về kỹ thuật chuyên môn thực hiện, nhưng các quy định về pháp luật chưa được xây dựng đầy đủ để điều chỉnh những phát sinh do mang thai hộ gây ra. Bên cạnh đó, tâm lý của một bộ phận lớn xã hội hiện nay chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề này, sẽ tạo áp lực rất lớn trong cuộc sống của những người tham gia mang thai hộ.
Vấn đề liên quan hôn nhân đồng tính được nhiều đại biểu góp ý kiến. Theo Ban soạn thảo, sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu QH tại kỳ họp thứ sáu, dự án luật lần này bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, nhưng Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính, đồng thời bỏ quy định về giải quyết hậu quả của việc chung sống giữa những người cùng giới tính. Nhiều đại biểu cho rằng, cần cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề này vì liên quan nhu cầu và xu hướng sống thực tế của một bộ phận trong xã hội. Theo đại biểu Lê Thị Tám (Nghệ An), hôn nhân đồng giới là nhu cầu có thật. Do vậy, việc đưa các quy định liên quan đến hôn nhân đồng giới vào dự thảo luật là cần thiết.
Cũng trong ngày làm việc hôm qua, các đại biểu QH nghe đại diện Chính phủ trình bày Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề và báo cáo thẩm tra dự thảo luật này.
Dự toán ngân sách năm 2014, Chính phủ chưa đề xuất khoản nào hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt. Nhiều đại biểu QH đề xuất trích từ khoản 35.000 tỷ đồng Bộ Giao thông vận tải tiết kiệm được và khoản dư từ tăng bội chi ngân sách để hỗ trợ ngư dân. Đề xuất này phải xin ý kiến QH. Tôi ủng hộ việc Nhà nước chi ngân sách, hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt. Bên cạnh đó, lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển cần có kế hoạch tổ chức bảo vệ cho ngư dân một cách chặt choe.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Sơn (Đà Nẵng).
Đối với những đối tượng lao động trong môi trường nặng nhọc, độc hại cần cân nhắc hạ thấp hơn nữa độ tuổi về hưu. Nhiệm vụ của các nhà hoạch định chính sách là xây dựng bảng danh mục cụ thể: Đối tượng nào, ngành nghề nào nên có độ tuổi nghỉ hưu hợp lý với những cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn rõ ràng, phân tích xác đáng từ các nhà chuyên môn, xã hội sẽ chấp nhận.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình)
0 comments:
Đăng nhận xét