Thừa phát lại Hà Nội: Mô hình Thừa phát lại ở Hà Nội sẽ hỗ trợ thiết thực cho ngành Tòa án.
Một chủ trương cải cách đã đi vào cuộc sống
Thí điểm chế định Thừa phát lại là một trong các giải pháp về cải cách Tư pháp đã được Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra và thể chế hóa tại Nghị quyết số 24/2008/QH12 của Quốc hội. Sau 2 năm thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh (từ 21/5/2010 đến 30/6/2012), bước đầu đã khẳng định những thành công của mô hình này, góp phần cung cấp những luận cứ cho việc hoàn thiện pháp luật về tố tụng và thi hành án dân sự, cũng như đổi mới hệ thống tổ chức cơ quan Thi hành án. Nhiều ý kiến đánh giá, việc triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại đã tạo lập một nghề mới về cung cấp dịch vụ pháp lý, dịch vụ Hành chính – Tư pháp, đem lại hiệu quả kinh tế – xã hội như giảm tải nhân lực, thời gian, bảo đảm các hoạt động tư pháp được nhanh hơn, đúng pháp luật, hạn chế tình trạng quá tải trong công việc của các cơ quan Tòa án và Thi hành án dân sự.
Tuy nhiên, việc thí điểm chế định Thừa phát lại trong một thời gian ngắn và mới chỉ được triển khai ở một địa phương là chưa đủ cơ sở để đánh giá một cách toàn diện về mô hình tổ chức, cơ chế, phạm vi hoạt động cũng như tính hiệu quả của chế định này. Các văn bản quy định về thí điểm chưa tạo được hành lang pháp lý đầy đủ cho tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại. Quá trình tổ chức thực hiện, việc kiểm soát và định hướng hoạt động cho các văn phòng Thừa phát lại chưa bám sát vào Nghị quyết của Quốc hội, chưa đạt được mục tiêu trọng tâm là hỗ trợ, giảm tải cho hoạt động thi hành án dân sự. Sau khi hết thời hạn thí điểm theo Nghị quyết số 24/2008/QH12, việc tổng kết, báo cáo Quốc hội về kết quả thí điểm tiến hành chưa kịp thời, làm phát sinh vấn đề về giá trị pháp lý của hoạt động Thừa phát lại kể từ khi hết thời hạn thí điểm…
Vì vậy, tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 36/2012/QH13 về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại. Theo Nghị quyết số 36/2012/QH13, việc thí điểm sẽ được tiếp tục đến hết ngày 31/12/2015, mở rộng trên địa bàn một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2015. Các tổ chức Thừa phát lại đã được thành lập và hoạt động theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 được tiếp tục hoạt động từ ngày 1/7/2012 cho đến khi Quốc hội có quyết định mới.
Sẽ hỗ trợ thiết thực cho ngành Tòa án
Thực hiện Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội, mới đây, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của các Sở, ngành có liên quan về việc tổ chức thí điểm mô hình Thừa phát lại trên địa bàn thành phố. “Cần nghiên cứu để triển khai thí điểm mô hình Thừa phát lại trên địa bàn thành phố Hà Nội” là khẳng định của đại diện nhiều Sở, ngành tham dự Hội nghị.
Theo Phó Chánh tòa Hình sự (Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội) Nguyễn Thị Xuân Phương, mỗi năm ngành Tòa án xét xử trên 12 nghìn vụ án. Số lượng giấy tờ phải tống đạt lớn nên gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, nếu mô hình Thừa phát lại được triển khai thực hiện tại Hà Nội “sẽ giảm tải và hỗ trợ rất tích cực, thiết thực, hiệu quả cho ngành Tòa án”.
Điều này cũng đã được chứng minh từ thực tế triển khai tại thành phố Hồ Chí Minh. Về phía người dân, sự hiện diện của các Văn phòng Thừa phát lại bên cạnh các cơ quan Thi hành án dân sự của Nhà nước đã tạo điều kiện để người dân có thêm sự lựa chọn phù hợp với năng lực, điều kiện của cá nhân khi yêu cầu thi hành án dân sự; tạo cơ chế tăng cường tính chủ động, tích cực của công dân trong các quan hệ dân sự, tố tụng dân sự.
Với những thành công kể trên, “Thừa phát lại là một mô hình tốt, tiến bộ trong tương lai, cần thiết cho người dân và Tư pháp, trong đó có người dân và ngành Tư pháp Thủ đô”, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ I (Tổng Cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp) Lê Xuân Hồng nhấn mạnh.
Phải có “bước đi” thận trọng, vững chắc
Thừa nhận thành công và tán thành sự cần thiết trong việc triển khai mô hình Thừa phát lại tại Hà Nội, nhưng nhiều ý kiến đại biểu cũng bày tỏ không ít băn khoăn, lo lắng khi triển khai mô hình này. Theo đại diện Công an thành phố Hà Nội, trong trường hợp bản án tuyên nhưng đương sự chưa “tâm phục, khẩu phục” thì sẽ rất khó để cho Thừa phát lại thực hiện công việc của mình. Bởi thế, muốn triển khai thành công mô hình này, trước hết cần phải xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh cũng như phải có thời gian để cho cán bộ và người dân “làm quen”, thích nghi với hoạt động xã hội hóa mang tính chất pháp lý này.
Đồng tình, Phó Vụ trưởng Lê Xuân Hồng cho biết, người dân Thủ đô vẫn tin tưởng và chuộng các cơ quan công quyền hơn. Các điều kiện kinh tế xã hội của Hà Nội cũng khác với thành phố Hồ Chí Minh nên việc triển khai sẽ có nhiều điểm khó hơn. Hiện Đề án thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mới chỉ đưa ra cái khung “chung chung”. Do đó, kế hoạch triển khai mô hình Thừa phát lại ở Hà Nội cần hết sức cụ thể, chi tiết và phải có những giải pháp phù hợp, khả thi.
Về số lượng Văn phòng Thừa phát lại có thể thành lập, Phó Chánh án Nguyễn Thị Xuân Phương cho rằng, Hà Nội không nên thành lập một cách “cảm tính”, “ồ ạt” mà trước tiên nên tiếp cận, thành lập ở khu vực nội thành – nơi có số lượng vụ việc lớn, thuận lợi cho việc thí điểm. Cùng quan điểm, một số ý kiến đại biểu cũng đề xuất chọn các khu vực đặc thù ở Thủ đô để thực hiện. Bên cạnh việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại tại khu vực đô thị nhiều vụ việc thì cũng cần thiết thành lập ở khu vực ngoại ô, tuy ít vụ việc hơn song trong số đó có không ít vụ việc phức tạp, khó làm.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Hồ Xuân Hương khẳng định, từ kinh nghiệm triển khai mô hình này ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội sẽ có những bước đi thận trọng, chắc chắn, nhưng cũng cần mạnh dạn đưa dịch vụ này đến với người dân. Trước mắt sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, cán bộ làm quen với mô hình này. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan trong việc xây dựng Đề án thực hiện chế định này trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo Trang thông tin Thi hành án Dân sự
Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của Nghị định và pháp luật có liên quan. Việc tống đạt văn bản của Thừa phát lại giúp Tòa án tập trung vào việc xét xử, việc lập vi bằng giúp tạo lập nguồn chứng cứ góp phần bảo đảm cho việc xét xử khách quan, kịp thời và chính xác. Không những thế, việc thực hiện các công việc về tống đạt văn bản thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, trực tiếp tổ chức thi hành án của Thừa phát lại còn giúp các cơ quan Thi hành án dân sự nâng cao ý thức, trách nhiệm, tạo cơ chế vừa phối hợp, hỗ trợ vừa cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực thi hành án, bước đầu góp phần hạn chế một số tiêu cực trong hoạt động thi hành án. |
0 comments:
Đăng nhận xét