Chuyện mùa đi thi: Bằng Đại học để làm gì?
Số lượng những người tốt nghiệp Đại học và công tác ở một lĩnh vực hoàn toàn khác đang ngày một nhiều hơn. Và vấn đề được nêu ra lúc này đó là: Bằng Đại học để làm gì?
Theo quan niệm của nhiều người, cánh cổng đại học và tấm bằng tốt nghiệp là ngưỡng cửa quan trọng trong cuộc đời mà bất kỳ ai cũng cần hướng tới.
Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng, lượng sinh viên ra trường thất nghiệp cũng đang ngày một tăng lên. Cùng với đó, chuyện một sinh viên tốt nghiệp với chuyên ngành A nhưng công tác tại lĩnh vực B đã trở nên hết sức bình thường.
Bởi vậy, quan niệm về việc phải thi đỗ Đại học và có được tấm bằng tốt nghiệp loại khá-giỏi cũng dần đổi thay.
Đoạn chia sẻ của người dùng Nguyễn Huyền Dương (sinh năm 1985) gửi em trai Nguyễn Dương Quang đã phần nào giúp cho người xem hiểu rõ hơn về điều này.
Qua câu chuyện có thể thấy được, cô sinh viên Huyền Dương của 2 trường Đại học có tiếng tại Hà Nội đã nỗ lực, cố gắng và phấn đấu nhường nào để có được tấm bằng tốt nghiệp. Nhưng...
Tấm bằng đó nay chỉ để xếp ngay ngắn trong một góc tủ, thi thoảng được mang ra để hồi tưởng. Vì có một hiện thực mà Huyền Dương nhận ra đó là tấm bằng Đại học đó không có nhiều "trách nhiệm" với cuộc đời chúng ta như vẫn nghĩ.
Chúng tôi xin được trích nguyên văn đoạn chia sẻ của Nguyễn Huyền Dương
BẰNG ĐẠI HỌC ĐỂ LÀM GÌ?
Viết cho Andree (tên gọi ở nhà của Nguyễn Dương Quang - PV) của chị.
Rồi cũng đến ngày em mặc áo tân cử nhân, mắt môi rạng rỡ. 4 năm của em, cứ như một thoáng. 10 năm của chị, cứ như vừa mới hôm qua.
Mẹ lại nhắc chuyện ngày xưa, 2 lần chị tốt nghiệp, đều một mực khăng khăng đông lắm, chật lắm, phụ huynh không cần đến làm gì.
Chị chỉ cười. Ừ, đó đúng thật là một câu chuyện cười. Chỉ có điều, ở một số thời điểm, chuyện cười cũng có thể lấy đi của ta không biết bao nhiêu là nước mắt.
Vào những tháng cuối cùng của năm thứ tư, chị rơi vào một vụ khủng hoảng kinh hoàng: Đứng trước nguy cơ không được tốt nghiệp vì lỡ mất đợt học lại cuối cùng môn bóng rổ.
Chắc em còn nhớ vụ đó, Andree, vụ quả bóng rổ tai ác làm chị trật ngón tay cái và bị ông lang băm lừng danh ở gần Hỏa Lò dọa là viêm xù tháo khớp.
Sau vài tháng tay bình phục, thì lịch học 2 trường, báo cáo khoa học, câu lạc bộ... đủ ba lăng nhăng, mà xét cho cùng vẫn là ma xui quỷ khiến, delay mãi vụ trả nợ môn. Đến lúc nhìn lại, thì cánh cửa đã đóng sập lúc nào.
Chết đuối trong rãnh nước, chính là cái cảm giác đó.
Những ngày cuối năm thứ tư đó là những ngày như mơ như tỉnh, chạy như con thoi giữa giảng đường và phòng đào tạo, cố cãi lí rằng trường chỉ thông báo trên website là cách làm quá quan liêu, cố trình bày rằng thời gian vẫn còn nhiều, cố thuyết phục rằng khoa thể chất đã bằng lòng mở lớp, miễn là phòng đào tạo duyệt qua.
Vô hiệu. Đứng đầu phòng đào tạo là một ông thầy cổ quái và vô cùng nguyên tắc.
Nhưng chị của em làm gì dễ nghe lời. Biết số sinh viên nợ các môn thể dục vẫn còn nhiều, chị viết một thông báo lên bảng tin trường, quy tập những sinh viên còn nợ môn bóng rổ để liên danh xin mở lớp.
Hôm sau khi thông báo lập tức bị bóc đi, chị đã kịp quy tập được gần 2 chục người. Nhưng lá đơn liên danh đó, một lần nữa, không được đáp ứng.
Chị không rõ mình đã trôi qua cơn mộng du đó ra sao, đếm từng ngày, từng buổi, tiến độ khóa luận thì không ngừng đuổi đến, vẫn học, vẫn điểm danh, vẫn ngạo ngược trên giảng đường.
Mỗi giờ giải lao, vẫn lì lợm đứng trên phòng đào tạo, trên khoa thể chất, trên mặt không rõ là biểu cảm thảm thương hay thách thức.
Ngày bảo vệ khóa luận, gần như biết đã chẳng còn hi vọng gì, nhưng vẫn không hé răng với thầy chủ nhiệm hay bạn bè trong lớp, chị soạn một cái slide thật đẹp, tươi cười diễn giải, tươi cười hồi đáp những chất vấn của hội đồng, tươi cười trả lời các em khóa dưới, hớn hở tạo dáng chụp ảnh cùng đám bạn.
Vẫn chạy khắp nơi hoàn tất hồ sơ nghiên cứu sinh, hồ sơ du học.
Nghĩ lại lúc đó, nếu không phải một dòng máu anh hùng, thì ắt hẳn là một con lừa cố chấp.
Ngày trên trường họp hội đồng xét tốt nghiệp, chị đứng trước cửa phòng nghe trộm cái tên của mình vang lên như chờ phán quyết cuối cùng.
Thủ khoa, giải nhất nghiên cứu khoa học cấp Bộ phải nhận bằng muộn, có nguy cơ không kịp chuyển tiếp nghiên cứu sinh. Quy trình chặt chẽ không một kẽ hở, nhưng cuối cùng, vẫn là quyết cho chị một đường thoát.
Biệt đãi, đương nhiên, chị của em lúc đó chẳng còn chút thần trí nào để lo cho những người bạn đồng cảnh ngộ trong lá đơn trước nữa.
Lật tung lại các tình tiết đến một trăm lần, ông thầy cổ quái của phòng đào tạo nhướng mày, ném một câu: Sao cô lại nộp đơn xin học lại? Cô học đủ số buổi điều kiện rồi, chỉ là nghỉ thi, vậy cần làm đơn xin thi lại.
Cánh cửa đã mở. Lại tập bóng, và thi, và tiếp tục giấy tờ, thủ tục, và chờ đợi, và thúc giục. Và cháy ruột cháy gan, biết ngày phát bằng đã cận kề. Đêm nằm cạnh mẹ, trở mình, cắn môi, giấu một tiếng nấc.
Vào cái buổi chiều chị mang chứng chỉ điều kiện lên nộp, bằng đã xếp kín phòng đào tạo. Những tấm giấy bồi da mạ nhũ vàng đẹp đẽ, cái nâu, cái đỏ.
Không cái nào có tên chị. Ngày phát bằng ở trường, chị ngồi dưới, cắn môi. Trong 10 năm, nước mắt chưa bao giờ rơi nhiều đến thế.
Chị nhận bằng, chậm hơn bạn bè có 1 buổi chiều thôi, thay vì 3-6 tháng như lẽ ra sẽ thế. Và rồi thì, nghiên cứu sinh chị bỏ, du học chị không đi.
Cái bằng kia, giá có lấy chậm nửa năm, 1 năm, cũng chả vấn đề. Chị đi làm sớm, nên cũng chưa từng phải xuất bằng. Nó nằm trong góc tủ, đôi khi mẹ tìm giấy tờ sẽ tiện tay lôi ra ngắm.
Những việc chị đã làm, nghĩ lại, ấu trĩ, cực đoan và vô cùng hình thức.
Nhưng nếu được quay trở lại, chị có lại một lần ấu trĩ thế không? Chắc chắn có. Bởi vì cái bằng là vật sở hữu của chị, là nốt chấm tròn cuối cùng cho 4 năm của chị, nó thuộc về chị, bất chấp chị có dùng đến nó hay không, cũng sẽ phải cầm chắc nó, để tự hào về nó, và yêu thương nó, như chính tuổi trẻ của mình.
Andree yêu quý của chị,
Có rất nhiều người đang trăn trở dằn vặt mình, dằn vặt lẫn nhau với câu hỏi: Có cần phải học đại học không? Có cần tấm bằng đại học hay không? Những câu hỏi ngớ ngẩn như thế, em đừng bao giờ bận tâm. Đi trên đường cái, ta là người bình thường.
Vượt thác chèo thuyền, ta là người ưa mạo hiểm. Cùng đường lách qua bụi gai, ta là người vượt khó. Nhưng đang quần áo chỉnh tề trên đường, mà bỗng dưng không đi đường quang, đâm quàng bụi rậm, thì đích thị là thằng dở hơi, không hơn không kém.
Tất nhiên, ai cũng có quyền dở hơi, đàng nào tỉnh hay mơ, người ta cũng sẽ phải tìm cách để gánh vác cuộc đời mình.
Tấm bằng đại học chẳng để làm gì cả. Nó không có trách nhiệm biến em thành một nhân tài, không có trách nhiệm tìm việc cho em.
Nó chỉ đảm bảo rằng tuổi 18 đến 22 của em đã trôi qua một cách bình thường, trên một con đường ổn định, cho em đủ trưởng thành để bước bước tiếp theo - vào đời, cái bước mà chị tin rằng em và bạn bè của em đều chưa sẵn sàng khi 18 tuổi.
Còn bây giờ, em đã sẵn sàng chưa?
0 comments:
Đăng nhận xét