Không chỉ là một mạng xã hội đơn thuần, kinh doanh trên Facebook là nguồn thu lớn của hàng triệu cửa hàng, công ty từ khắp nơi trên thế giới.
Năm 2004, Facebook ra đời. Trên đây là hình ảnh từ những ngày đầu tiên của Facebook. Website dành cho các sinh viên Harvard này sau gần 10 năm sau đã có 1 tỷ người dùng trên toàn thế giới. Về số lượng người dùng, hiện nay Facebook có tới 1,32 tỷ người dùng hàng tháng và 829 triệu người dùng hàng ngày, tăng lên từ lần lượt 819 triệu và 699 triệu theo thống kê cùng thời điểm năm 2013. Số lượng người dùng Facebook trên di động cũng chạm kỷ lục mới với 1,07 tỷ người dùng hàng tháng và 645 triệu người dùng hàng ngày. Đây là tín hiệu đáng mừng để các nhà kinh doanh xây dựng các chiến lược kinh doanh hiệu quả và tiếp cận khách hàng nhanh chóng.
Với hơn 5 triệu người dùng Facebook tại Việt Nam và hàng tỷ người dùng trên toàn thế giới, lợi thế tương tác giữa các đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ với khách hàng qua fanpage của Facebook khá nổi trội so với các hình thức online như website, thư điện tử hay các mạng xã hội khác. Tương ứng với đó, hiệu quả kinh doanh qua kênh này không hề nhỏ.
“Chỉ cần vào Facebook, bạn có thể có mọi thứ mình cần, từ thông tin đến hầu hết sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, không giới hạn như mua bán nhà cửa hay cây kim, sợi chỉ. Có thể nói, Facebook giúp cho người người có cơ hội kinh doanh mà không cần phải thuê mặt bằng hay mua tên miền như lập website và cũng giúp cho cả nhà nhà mua sắm, tiêu dùng với chỉ một cú click chuột”, Trần Nam Thắng, nhân viên ngân hàng Đông Á, một người dùng Facebook thường xuyên nói. Thực tế cho thấy, chỉ riêng trong giới báo chí, có hàng trăm nhà báo thông qua tài khoản cá nhân trực tiếp bán hàng từ thời trang, mỹ phẩm đến thực phẩm như thịt lợn, gà, dưa cà, mắm muối…
Không chỉ qua fanpage chính thức, các doanh nghiệp không bỏ lỡ mọi cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các facebooker (người dùng facebook) nổi tiếng thông qua lượng bạn bè, người theo dõi cũng như lượt like những thông tin người đó đăng tải.
“Kinh doanh online là xu hướng kinh doanh tất yếu của thị trường. Chúng tôi đang tính toán để sắp tới thu hẹp dần phương thức kinh doanh “offline”, nghĩa là giảm bớt một số showroom kém hiệu quả hiện nay”, bà Dương Thu Hương cho biết. Tuy nhiên, để phát triển kênh bán hàng online, theo bà Hương, công ty phải tiếp tục đầu tư, triển khai các công cụ đi kèm như website, hệ thống thanh toán, đội ngũ vận chuyển hàng, chính sách đổi trả. “Mặc dù giúp tiết kiệm một số chi phí như thuê mặt bằng, nhân viên bán hàng, song kênh bán hàng online cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư bài bản và mức độ đầu tư phụ thuộc vào chiến lược cũng như năng lực tài chính của doanh nghiệp”, bà Hương nói.
0 comments:
Đăng nhận xét