TT - Việc đọc sách cùng con trẻ chứa nhiều trải nghiệm riêng, thú vị và cả khó khăn, việc đọc sách triết học viết cho trẻ em lại càng là một thách thức.
Trần Vương Thuấn và quyển sách Triết học cho trẻ em - Cảm xúc, sống và chết của Jana Mohr Lone, Bùi Trần Ca Dao dịch, NXB Phụ Nữ ấn hành - Ảnh: H.Sâm |
Chia sẻ của tác giả trẻ Thục Linh - anh TRẦN VƯƠNG THUẤN - về việc đọc hay bị bỏ qua này.
* Anh nghĩ sao về việc đọc sách cùng con và anh thường đọc những loại sách gì với con mình?
- Đó là một trong những trải nghiệm tuyệt nhất với người đọc sách, không phải ai cũng làm được, vì điều ấy cần có một điều kiện tiên quyết, người đọc sách ấy phải có con! Trước đây, tôi vẫn nghĩ về sách như là thế giới của sự cô đơn, anh chỉ có thể thực hiện hành trình tái tạo và tạo dựng, cảm nhận và thu nhận từ sách ấy riêng một mình.
Sự chia sẻ khi hoàn tất hành trình của riêng anh như các bài điểm sách chẳng hạn, cũng đã là việc khó khăn và có phần bị bóp méo so với điều anh tạo và nhận trong quá trình đọc. Nhưng đọc sách với con là chuyện rất khác, anh không thể đọc toàn bộ câu chuyện trong sách theo đúng y vậy.
Một phần là vì phần lớn sách cho trẻ em hiện nay đang được viết với từ vựng và ngữ pháp của một phương ngữ chiếm ưu thế, phần là mỗi đứa trẻ muốn đọc sách theo ý thích ngôn ngữ của riêng mình, nếu bạn bám vào sách, trẻ sẽ từ chối đọc cùng bạn.
Bạn và trẻ phải cộng tác với nhau để các dòng chữ có thể nảy sinh ra những điều cần khám phá, cần giải thích, cần tìm hiểu.
Như mọi người, tôi vẫn thường đọc truyện cổ tích, các sách khoa học khám phá có tranh minh họa cùng con mình. Gần đây, có thêm cả sách triết học.
* Sách triết học? Với con anh, bé đang học mẫu giáo?
- Vâng, đó là cuốn sách Triết học cho trẻ em: Cảm xúc, sống và chết. Cuốn sách chỉ gồm 10 câu chuyện ngăn ngắn mà tác giả vốn là người sáng lập trung tâm triết học cho trẻ em ở Đại học Washington, Mỹ, lọc ra trong các buổi trò chuyện với học sinh tiểu học của cô.
Câu chuyện về cậu bé hay quên xà phòng, chuyện bọn trẻ ở trong một cái hộp đầy đồ chơi, chuyện cái xe hơi có phải là ngôi nhà, hay hạnh phúc và niềm vui có khác nhau không...
Điều quan trọng của cuốn sách này là chỉ cho bạn và trẻ em cách truy vấn. Sau mỗi câu chuyện là các câu hỏi về những vấn đề liên quan.
Sau câu chuyện một người bạn trong lớp không có chỗ ở, phải trú tạm trong chiếc xe cũ, trẻ em hỏi “một chiếc xe có phải là cái nhà không?”, “ngôi nhà hoàn hảo là gì?”, những truy vấn ấy sẽ nảy sinh các câu trả lời, câu trả lời lại sinh ra câu hỏi “tại sao chúng ta cần an toàn và muốn được che chở?”.
Bạn cần thận trọng và rất nhiều kiên nhẫn khi đọc chung với con một cuốn sách mỏng tang như vậy. Cần nhiều ngày và nhiều lần đối thoại, có khi con bạn sẽ đưa ra câu trả lời rất lâu sau khi đặt câu hỏi. Như bạn, trẻ con cũng phải tìm kiếm và trải nghiệm.
Câu hỏi được trẻ em đặt ra nhiều nhất theo kinh nghiệm tác giả là “tại sao chúng ta phải chết?”. Tư duy về cái chết, nỗi xao xuyến về sự tồn tại ở mức khởi đầu ấy là điều có thể định hướng cho trẻ cách sống, cách đối đãi tốt suốt cả đời mình nếu được giải quyết.
Sách có kể về chiếc lá mùa thu đã quyết định vàng úa và chết đi vì sự cô độc. Bạn sẽ phải giải thích về “sự thay đổi tự nhiên”, “mùa thu không đem lại cái chết cho lá, nó tạo ra các lá mới”… chẳng hạn.
Tôi đã giải thích cho con mình về việc ba tôi mất, con tôi cuối cùng cũng chấp nhận rằng “ông nội đã chuyển trạng thái và nghỉ ngơi thật lâu”.
Tất cả 10 chủ đề, 10 câu chuyện trong cuốn sách nhỏ ấy sẽ mở ra rất nhiều thứ, cho trẻ em và cả chính tôi.
* Tại sao anh nghĩ cần đọc sách triết học cùng trẻ và khuyến khích trẻ tiếp cận với bộ môn này?
- Là một người mò mẫm, tìm đọc, tôi thấy thú vị với các sách này. Ở phía khác, tôi tin điều nhiều người nói triết học là nền tảng tốt nhất để kiện toàn thế giới quan, tư duy, khả năng truy vấn, luân lý và cả đạo đức…
Việc đọc cùng con những cuốn sách mỏng ấy, mong là có nhiều hơn những sách như vậy, theo giới thiệu đấy là một bộ nhiều cuốn, giúp tôi hi vọng con mình có thể tự tìm đọc khi lớn hơn một chút những cuốn Triết học nhập môn(NXB Trẻ) hay cuốn sách tuyệt vời tìm hiểu triết học qua truyện cười Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán bar (Nhã Nam & NXB Thế Giới).
Cuốn sau có những truyện cười hơi “mặn” nhưng cũng có những truyện chỉ cần là trẻ em thông minh cũng đã hiểu, từ truyện cười đấy bạn sẽ biết mục đích luận, phái khắc kỷ, chủ nghĩa nữ quyền, hiện sinh… và cả việc Kant khó hiểu đến mức nào.
Những cuốn sách triết học mà trẻ em tùy độ tuổi có thể tiếp cận đó sẽ là con đường hay cánh cổng, đi tiếp hay dừng lại, mở ra hay ngồi xuống trước cổng tùy trẻ, nhưng chí ít với những viên gạch đầu đó, trẻ có thể xây nên nhiều thứ lớn hơn.
HOÀI SÂM thực hiện
0 comments:
Đăng nhận xét