TÔN TRỌNG NGƯỜI TRẺ: (MỜI ĐỌC TTCT TỪ SỐ RA NGÀY 5-7-2015)
Minh họa: Salem |
1. Một người bạn của tôi thuộc thế hệ 8X, sau khi tốt nghiệp Trường đại học KHXH&NV đã hăng hái vác balô về thử việc tại một cơ quan truyền thông ở địa phương. Một thời gian thì thành nhân viên chính thức.
Được học đúng ngành nghề yêu thích, ra trường được làm việc đúng chuyên môn, cứ nghĩ em sẽ làm ổn định nơi này lâu dài, nhưng thời gian sau gặp lại tôi mới hay em đang công tác tại một cơ quan truyền thông ở TP.HCM. Em bảo làm việc ở cơ quan cũ cũng tốt nhưng công việc chỉ loanh quanh bấy nhiêu nên em cảm thấy bức bối.
Dù rằng được làm đúng chuyên môn nhưng em cứ thấy nhàn nhàn, phí thời gian, phí sức trẻ mà không học hỏi, phát triển được gì nên đã tự “chuyển”. Vác balô quay lại TP.HCM, em bắt đầu lại hành trình đi xin việc và phỏng vấn khắp nơi để chọn cho mình một nơi mà em cảm thấy có nhiều cơ hội để cống hiến. Hiện tại em đang phụ trách một chuyên mục mình yêu thích và rất hài lòng với công việc này.
Một người bạn thời phổ thông của tôi khi còn học đại học từng ước mơ sau khi ra trường sẽ về địa phương thi tuyển công chức vào một cơ quan hành chính mà bạn từng mơ ước. Thế nhưng cầm bộ hồ sơ với tấm bằng tốt nghiệp đại học loại ưu bạn chạy vạy bốn phương tám hướng mà vẫn không đặt được chân vào cửa cơ quan hành chính nào chỉ vì cái lý lịch... con nhà lính!
Không được đơn vị hành chính nào tuyển dụng, bạn đành từ bỏ ước mơ làm cán bộ nhà nước, ôm hồ sơ đi xin việc tại một doanh nghiệp tư nhân nước ngoài. Gặp môi trường làm việc thuận lợi, đúng chuyên môn, bạn đã cống hiến sức trẻ bằng tâm huyết, nhiệt huyết và nhận được sự tín nhiệm cao từ ban lãnh đạo công ty.
Bạn thường xuyên có những chuyến công tác nước ngoài để học hỏi và trao đổi kinh nghiệm. Mức lương hiện tại của bạn ngoài 50 triệu đồng/tháng. Thi thoảng gặp nhau bạn tâm sự vui: “Hồi đó không xin việc được bên khối hành chính sự nghiệp có khi vậy mà may!”.
2. Trước giải phóng ba tôi làm việc ngành tuyên giáo. Sau giải phóng ba tôi được chuyển công tác sang ngành xây dựng. Nghỉ hưu, ông chuyển sinh hoạt Đảng về quê và dưỡng già. Thi thoảng về nhà tôi thấy ông hay ngồi cặm cụi viết những trang giấy dài. Má tôi nói mấy chú bên ban tuyên giáo huyện xuống nhờ ba tôi viết cái gì đó...
Tôi ngỡ ngàng bởi đó là những vị cán bộ tuyên giáo có chức vụ đang đương nhiệm. Tôi ngẫm ngợi và vỡ ra nhiều điều. Rằng cứ tưởng ba tôi về hưu rồi thì xong. Hóa ra ông vẫn còn... “giá trị sử dụng” là được những người đồng nghiệp tuổi con, cháu tìm đến để “khai thác” và học hỏi. Rằng nhiều vị lãnh đạo đâu có ngồi một chỗ mà “làm quan”.
Họ vẫn tìm học từ những thế hệ cha ông đi trước những kiến thức về lịch sử ngành, về bối cảnh địa phương trong thời chiến tranh mà họ chưa từng trải qua, cả những bài học cuộc sống mà họ không học được ở nhà trường...
Hay như mới đây, tôi đặc biệt ấn tượng với chi tiết trong một bài báo trên một trang mạng mà NSƯT Thành Lộc đã chia sẻ về giáo sư Trần Văn Khê với người cha của anh, dịp giáo sư mới vừa qua đời. Rằng ngay khi đã là một nhân vật rất nổi tiếng tầm cỡ quốc tế rồi mà giáo sư vẫn còn tìm đến NSND Thành Tôn để học hát bội, học những câu hát khách, hát nam và cả những điệu bộ múa minh họa. Dù đã là một giáo sư với biết bao nhiêu thế hệ học trò nhưng ông chẳng khi nào ngừng học hỏi và trau dồi kiến thức...
3. Tôi có vài người “bạn” lớn tuổi làm việc trong ngành giáo dục, ngành y sắp sửa tuổi hưu. Chưa đến ngày “ra đi” mà họ đã được lãnh đạo một số trường tư thục, bệnh viện tư nhân chào mời về làm việc.
Hay như một bác cán bộ gần nhà tôi vừa nghỉ hưu được vài hôm đã thấy khoác ngay bộ đồng phục bảo vệ ở một ngân hàng gần nhà! Xung quanh tôi có rất nhiều người già! Tôi thấy có người đã “già” lắm luôn rồi mà vẫn còn miệt mài làm việc. Có người phải làm việc vì cuộc sống. Có người làm việc chỉ đơn giản vì không quen ngồi không.
Vậy tại sao lại có những người trẻ phí thời gian để mà vật vã chờ... già! Rồi lại đổ thừa vì những người lớn “cản” chân. Xã hội mênh mông, cuộc sống vô vàn cơ hội để kiếm tìm. Tôi thấy những người trẻ năng động đâu có thời gian để ngồi so bì những thiệt hơn, hay kỳ thị tuổi tác với những thế hệ đi trước.
Họ luôn biết tự tìm đường đi để tự tạo cơ hội cho mình, nên làm gì có chuyện họ lãng phí thời gian tuổi trẻ để ngồi vật vã chờ... già như câu chuyện những người bạn mà tôi đã kể trên.
Khi chúng ta còn chưa có mặt trên cõi đời này thì những người già đã đi trước một quãng đường khá xa và dọn sẵn cho chúng ta mọi thứ tốt đẹp rồi. Chúng ta ít ai nhìn thấy sự khổ nhọc của những người lớn.
Thế cho nên thay vì ngồi hơn thua chuyện kỳ thị tuổi tác, tại sao chúng ta không tạo nên một mối quan hệ tốt đẹp, nhân cơ hội để học hỏi những kinh nghiệm về những va vấp mà họ đã trải qua để hoàn thiện mình hơn? Thế cho nên nếu còn lăn tăn, thiệt hơn với chuyện “kính già” thì cũng xin đừng mong sự “trọng trẻ”!
SONG NGỌC
0 comments:
Đăng nhận xét