Thiếu thương hiệu du lịch, làm thế nào?
TP - Hơn trăm đại biểu là lãnh đạo ngành, nhà quản lý, chuyên gia... thêm dịp nhìn vào hàng loạt rào cản của du lịch Việt Nam, tại hội thảo “Phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới” diễn ra hôm 7/7 ở Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh mở đầu hội thảo, khẳng định “du lịch Việt Nam phát triển chưa xứng tiềm năng”. Sụt giảm du khách khiến nhiều người lo ngại, có đại biểu đòi có hẳn Bộ Du lịch để không bị các ngành khác làm khó.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ khẳng định, nghiên cứu để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn được nhà nước quan tâm với nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng, gần nhất là Chỉ thị 14 do Thủ tướng ký hôm 2/7- hành động cấp thiết cho du lịch.
Sự phát triển và biến động lớn thời gian qua đặt du lịch trước thách thức không nhỏ. Trong khi chúng ta chưa thể đuổi kịp các nước ít tiềm năng hơn như Malaysia, Thái Lan trong khu vực, thì Campuchia vượt mặt trong thời gian ngắn.
Chỉ vì thủ tục cấp thị thực của họ dễ dàng, nhanh chóng. Đây cũng là vấn đề các đại biểu nhắc tới xuyên suốt ba phiên thảo luận. Đây cũng là cơ hội cho các nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch bày tỏ nguyện vọng tới Chính phủ cần nhận thức mới, tính chuyên nghiệp, cạnh tranh để phát triển du lịch.
Trưởng phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Vũ Tiến Lộc và bà Tôn Nữ Thị Ninh, Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam thì kể câu chuyện khách không chọn nước ta chỉ vì thị thực. “Đương nhiên khách đến vì nhiều yếu tố, nhưng thị thực như lời chào. Nếu visa điện tử thuận lợi, khách đến Việt Nam có thể tăng 8-15%”, ông Lộc nói.
Lãnh đạo ngành du lịch khẳng định tiếp tục trình Chính phủ miễn thị thực đơn phương cho một số thị trường. Tưởng đáng mừng, nhưng thời hạn miễn chỉ đến 30/6/2016 khiến nhiều doanh nghiệp trở tay không kịp vì sản phẩm thường bán trước cả năm. Chưa kể, thời gian miễn có 15 ngày, trong khi khách châu Âu thường nghỉ 3 tuần. Khác nào đuổi khách đi nước khác cho hết kỳ nghỉ, một vị nói.
Điều mà nhiều người nhìn thấy là chúng ta trội hơn Thái Lan, Malaysia về tiềm năng, nhưng họ có định hướng rõ ràng và biến đất nước họ thành quốc gia du lịch. Việt Nam nào chính trị ổn định, thiên nhiên ưu đãi, con người hiền hòa... nhưng chưa thể chạm tới thương hiệu du lịch.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ông Trần Đình Thiên thẳng thắn nói chiến lược phát triển du lịch tầm nhìn hạn hẹp, tư duy manh mún-một trong những nguyên nhân khiến giấc mơ xây dựng thương hiệu du lịch còn xa vời.
Lãnh đạo một công ty du lịch lớn nói “cạnh tranh du lịch là cạnh tranh quốc gia, nếu chính sách, cơ chế không nhất quán thì chúng ta còn vướng dài dài”. Bà Tôn Nữ Thị Ninh nhấn mạnh, thương hiệu du lịch không thể tách rời thương hiệu quốc gia.
Sau khi nói về nỗi niềm những khách sạn hạng sang Việt Nam đi giới thiệu cơm Tây cơm Tàu mà bỏ rơi cơm ta, bà Tôn Nữ Thị Ninh nhắc vấn đề quan trọng hơn-thương hiệu du lịch. Bà cho rằng, trong các văn bản Chính phủ đều muốn du lịch Việt Nam có thương hiệu, thực tế thì chưa. Về slogan “Vẻ đẹp bất tận”, bà cho rằng nó quá “tĩnh, dễ thương, khép nép và vô cùng xưa”, đáng ra phải làm nổi bật sức sống, sự sống động như nhiều du khách nhận xét “Châu Âu đẹp nhưng chết. Cuộc sống mới là ở châu Á, cụ thể là Việt Nam”.
0 comments:
Đăng nhận xét