“Nếu bạn muốn con mình giỏi điều gì thì hãy cấm chúng làm cái đó"
Hội trường Trung tâm Văn hoá Pháp chật kín, không còn một chỗ trống
Tối 24.8, tại Hà Nội, Trung tâm Văn hóa Pháp đã tổ chức tọa đàm giao lưu với hai GS Toán học là GS Cédric Villani (Pháp) và GS Ngô Bảo Châu về chủ đề “Phương pháp giáo dục: Làm thế nào để chuyển lửa? Toán học là một trường hợp cụ thể. Góc nhìn chéo Việt-Pháp”. Trong buổi toạ đàm GS Cédric Villani đã đưa ra một phương châm vô cùng thú vị “Nếu bạn muốn con mình giỏi điều gì thì hãy cấm chúng làm điều đó”.
Giáo dục là trọng tâm của các thách thức phát triển xã hội
Được thông báo bắt đầu từ 18h nhưng mới chỉ 17h30, toàn bộ ghế và các khoảng trống của hội trường đã được lấp kín. Thời điểm bắt đầu chương trình toạ đàm cũng là lúc hội trường quá tải, hết chỗ để xe, hết chỗ để đứng. Ban tổ chức đã phải quyết định mời các bạn trẻ lên luôn sân khấu, ngồi xung quanh các nhân vật chính vẫn không đủ sức chứa. Nhiều người đã phải buồn bã ra về vì không thể “chen chân” để có được một chỗ trống trong hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp.
Những người may mắn được ở lại đã được lắng nghe rất nhiều những chia sẻ thú vị từ các vị khách mời. Tại buổi tọa đàm, hai GS đã chia sẻ kinh nghiệm, quan điểm về phương pháp giáo dục của chính bản thân mình, đặc biệt là đối với môn Toán học. Theo các GS, giáo dục là trọng tâm của các thách thức phát triển đối với mọi xã hội vì giáo dục liên quan đến con người và công tác đào tạo thế hệ mai sau. Các chương trình giáo dục ở trường phổ thông và đại học luôn cần được cập nhật, đổi mới. Các phương pháp giảng dạy phải cải cách thường xuyên sao cho phù hợp với điều kiện và các đối tượng học tập khác nhau. Hiện nay, trên thế giới mỗi nước đều tìm kiếm những ý tưởng đổi mới để nâng cao chất lượng giảng dạy, tạo hứng thú học tập cho các bạn trẻ.
Nhấn mạnh, trong điều kiện cho phép của xã hội, giáo dục cần tạo môi trường cho học sinh, sinh viên học hỏi, trao đổi, giao lưu, đặc biệt là giúp học sinh có khả năng nổi trội phát triển. GS Ngô Bảo Châu cho rằng mỗi người có một khả năng khác nhau, vì vậy một nền giáo dục toàn diện cần phải hướng tới việc đa dạng đào tạo giúp các bạn trẻ có điều kiện, môi trường phát triển.
Với cách trao đổi gần gũi, dí dỏm, hài hước, hai vị GS đã mang đến cho toàn thể hội trường những thông tin bổ ích, sự vui vẻ, thoải mái khác hẳn với sự khô khan thường thấy trong môn toán học. Đến nghe GS chia sẻ không chỉ có các bạn học sinh, sinh viên mà còn có rất nhiều phụ huynh, thậm chí là các bậc cao tuổi đến lắng nghe chia sẻ. Mọi người hào hứng hỏi các câu hỏi liên quan đến Toán học, đến kiến thức và cách thức học trong thời kì mới.
Cả hai GS cùng cho biết lứa tuổi 11-13 đặc biệt quan trọng đối với việc định hướng về đam mê học tập và nghề nghiệp sau này. Ông khuyến khích các con chọn lĩnh vực yêu thích để học tập, theo đuổi mà không nhất thiết phải là lĩnh vực bản thân mình đã thành công là toán học. GS Villani cho biết hai con ông đều học chuyên về âm nhạc. GS Ngô Bảo Châu cho biết hiện tại mới chỉ hi vọng cô con gái út sẽ theo đuổi toán học
GS Ngô Bảo Châu cũng nhận định rằng Việt Nam có rất nhiều người có năng khiếu trong lĩnh vực Toán học và trên thực tế đã có rất nhiều người Việt Nam làm việc trong lĩnh vực này đạt được thành công lớn không chỉ ở Việt Nam mà còn ở tầm quốc tế. Tuy nhiên còn rất nhiều người chưa có điều kiện để phát triển năng khiếu của mình, chính vì vậy bản thân ông và nhiều đồng nghiệp khác tại Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán đã và đang nỗ lực tìm kiếm học bổng, tổ chức các hội thảo khoa học nhằm giúp những người yêu toán ở Việt Nam có điều kiện theo đuổi đam mê.
Toán học không chỉ cần đầu óc mà còn cần sự luyện tập
GS Ngô Bảo Châu cho biết Toán học nếu luyện tập thì sẽ quen, bản thân những người làm toán chuyên nghiệp như GS cũng phải luyện và làm quen với những khái niệm vô cùng trừu tượng. Đôi khi suy nghĩ về một điều, GS cũng phải thay khái niệm trừu tượng bằng những con số để bớt trừu tượng đi, như vậy sẽ dễ hình dung hơn.
Chia sẻ tại toạ đàm, GS Cédric Villani cho biết, theo một nghiên cứu gần đây thực hiện tại Mỹ, nghề liên quan đến Toán học là nghề được đánh giá cao nhất trên 200 nghề khác theo nhiều tiêu chí. Điều này cho thấy Toán học có tương lai và cơ hội phát triển lớn. Trong câu chuyện dí dỏm của mình, nhà “Nobel Toán học” đưa ra một phương châm: “Nếu bạn muốn con mình giỏi điều gì thì hãy cấm chúng làm cái đó”. Sự tò mò của trẻ con đôi khi sẽ giúp chúng phát triển và đam mê hơn với những gì chúng yêu thích.
Trước câu hỏi “Làm thế nào để truyền lửa cho học sinh, để các em yêu môn Toán?” GS Ngô Bảo Châu khảng định để truyền được lửa, được nhiệt huyết cho các em với môn Toán, điều chắc chắn là trước hết chúng ta phải có tình yêu đó. Mọi người thường có sai lầm khi quan niệm rằng để học sinh thích học toán thì toán phải dễ. Chúng ta hãy làm ngược lại, đưa ra những vấn đề khó hơn một chút để học sinh cố gắng. Khi giải được bài toán khó, các em sẽ hài lòng, và sẽ làm tốt hơn. Nghệ thuật của người giáo viên là đưa ra được những bài toán khó hơn một chút. GS Cédric Villani cũng đồng tình khi đưa ra quan điểm người giáo viên trước hết phải có đam mê. Đối với một nhà giáo, khả năng và động lực quan trọng hơn kỹ năng và kiến thức của họ.
GS Cédric Villani và GS Ngô Bảo Châu cùng nhận giải thưởng Fields Toán học (tương đương với giải thưởng Nobel) vào năm 2010 và cả hai đều đóng vai trò tích cực trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là ở Pháp và Việt Nam.
Dòng người chen chúc vào dự toạ đàm:
GS Cédric Villani và GS Ngô Bảo Châu cùng nhận giải thưởng Fields Toán học (tương đương với giải thưởng Nobel) vào năm 2010 và cả hai đều đóng vai trò tích cực trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là ở Pháp và Việt Nam.
Dòng người chen chúc vào dự toạ đàm:
Hội trường Trung tâm Văn hoá Pháp chật kín, không còn một chỗ trống |
Nhiều người chỉ có thể đứng dựa ở cửa để nghe |
Mọi người cố chen để tìm được một chỗ đứng để lắng nghe hai GS chia sẻ |
Thậm chí là đứng nghe suốt mấy tiếng đồng hồ |
Hai GS chia sẻ những điều bổ ích cho người đến dự toạ đàm |
0 comments:
Đăng nhận xét