Thứ Năm, 10 tháng 9, 2015


Hãy để trẻ em vô tư đặt chân lên hành trình dài của đời người!


Thứ Hai 06:43 07/09/2015
(HNM) - 1. Ngày mùng 5-9 vừa rồi cả nước tưng bừng tổ chức khai giảng năm học mới. Có vẻ như năm nay "ngày hội trường" của trẻ em được chú ý hơn khi đã bớt đi những bài phát biểu lê thê của hiệu trưởng, bớt đi sự "phô diễn" của quan chức giáo dục, bớt đi những giờ phơi nắng phơi mưa để nghe những điều mà các em không hiểu gì.

Thường niên, cứ đầu năm học là chúng ta cố gắng xốc lại tinh thần cho năm học mới với quyết tâm mới, nên xã hội bàn nhiều đến giáo dục hơn. Đơn giản là giáo dục - theo Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) - là một then chốt trong việc giải quyết các vấn đề của xã hội, và đơn giản nữa là giáo dục luôn là mối quan tâm gần như hàng đầu của tất cả các gia đình.

Bàn về giáo dục dù ở giác độ nào người ta cũng không thể không nói đến triết lý giáo dục. Một nền giáo dục phải có triết lý giáo dục tự thân - dù muốn hay không, dù có ý thức một cách hệ thống hay chỉ là những chắp vá, vay mượn. Có triết lý giáo dục mới hình thành nên thiết chế giáo dục, nền tảng hạ tầng, đội ngũ giáo viên, hệ thống sách giáo khoa... Triết lý giáo dục

phải xuất phát từ yêu cầu của quá trình và chiến lược phát triển đất nước cũng như yêu cầu thời đại. Dù nhiều người đưa ra các triết lý khác nhau do đứng ở các góc độ nhìn, thẩm định khác nhau nhưng tựu trung vẫn không thể không nói đến mục tiêu của giáo dục: Đào tạo con người, xây dựng và bồi đắp trí tuệ quốc gia; trí tuệ mà giáo dục mang lại phải chính là thứ trí tuệ có đủ sức trụ vững và thúc đẩy quốc gia phát triển và trí tuệ đó phải là của những người (sản phẩm của nền giáo dục) có đạo đức, biết thương yêu và căm giận, biết trân quý những giá trị tinh thần. Một nền giáo dục có triết lý giáo dục phải xác định rõ ràng được các chủ thể giáo dục mà trong đó người học có vị trí ở đâu. Thời đại ngày nay, với xu hướng tôn trọng sự độc lập, sáng tạo, tôn trọng bản ngã, cũng như khuyến khích sự liên kết đa chiều, thì người học phải thực sự là trung tâm của mọi thiết chế và mọi hoạt động giáo dục. Như vậy, mọi cải cách giáo dục lâu nay chúng ta tiến hành mới có kết quả đúng nghĩa, còn không thì những cải cách vẫn là những ý tưởng được triển khai một cách cảm tính theo kiểu xáo lên, nén xuống mang tính nhiệm kỳ mà thôi.

Bên cạnh hệ thống giáo dục của Nhà nước thì xã hội đang đổ xô đầu tư vào giáo dục để có lợi nhuận cao. Về bản chất, giáo dục không phải là hàng hóa, nhưng tâm lý xã hội đang thương mại hóa giáo dục từ dịch vụ, các khóa học đủ các tiêu chí cho đến bằng cấp! Xu hướng đó càng ngày càng trở nên phổ biến. Dù vậy, tiền có thể mua được bằng cấp nhưng không thể mua được giá trị của bằng cấp, cũng như không thể mua được giá trị trí tuệ của con người. Và tiền cũng không thể mua được niềm vui hội trường đúng nghĩa của người đi học dù ở lứa tuổi nào!

2. Suy cho cùng, quan hệ cơ bản nhất của giáo dục là mối quan hệ dạy và học. Nhiều người đang phê phán gay gắt cách dạy của nền giáo dục nước nhà là nhồi nhét, áp đặt, một chiều, không có sự gợi mở sáng tạo, không rèn luyện tư duy. Ở một góc độ nhất định thì nhận xét đó có lý. Nhưng nhìn khách quan thì thấy những người phê phán như vậy cứ làm như những thành tựu của nền giáo dục từ khi có nhà nước dân chủ đầu tiên (mùa thu năm 1945) đến nay là hoàn toàn bằng không. Vậy thì nhiều thế hệ các nhà khoa học, các chính khách, những nhà lãnh đạo quốc gia, các doanh nhân nổi tiếng, những nghệ sĩ tài ba..., ở đâu ra khi họ không hề thụ hưởng nền giáo dục nào khác? Chính những nhân vật đó là sản phẩm của cách dạy học mà chúng ta đang phê phán gay gắt đấy.

Tuy vậy không có nghĩa cách dạy học lâu nay của chúng ta không có khuyết tật. Ngọc còn có vết, huống gì cách dạy của một nền giáo dục với xuất phát điểm là sự hòa trộn, giao thoa giữa triết lý dạy học của Nho giáo với triết lý dạy học của các nước phương Tây và triết lý dạy học của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa non trẻ. Trong bối cảnh đầy khó khăn gian khổ của hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, giữa sự giao thoa các luận điểm giáo dục khác nhau, các thế hệ đi trước đã chọn cách dạy mang tính thời chiến: Người biết nhiều dạy người biết ít, người biết ít dạy người không biết gì; và cách dạy là truyền đạt kiến thức cơ bản, nhanh, hiệu quả theo hướng nêu cao sự tuân thủ! Dù phản bác như thế nào với những lý luận và cách tiếp cận khác nhau thì không thể phủ nhận thành tựu của cách dạy đó đối với các thế hệ người học đã nối tiếp nhau làm nên những thắng lợi to lớn của tiến trình giải phóng dân tộc và phát triển đất nước. Chỉ có điều mọi cái đều có tính lịch sử của nó (bối cảnh lịch sử sản sinh ra những phương thức phù hợp; vai trò của những phương thức đó chỉ tồn tại trong một thời kỳ nhất định), nếu không tự thay đổi theo bối cảnh lịch sử mới thì những phương thức đó sẽ trở nên lạc hậu và trở thành phản động (theo nghĩa ngăn cản sự chuyển động bình thường).

Nhiều năm qua, các thế hệ lãnh đạo ngành Giáo dục nước ta đã cố gắng cải cách cách dạy cho phù hợp yêu cầu lịch sử mới. Tuy nhiên, hiệu quả không được như mong muốn, mặc dù ở tầm nhìn toàn cục đã thấy có những kết quả không nhỏ. Tại sao vậy? Bởi lẽ, từ thiết chế đến tư duy người dạy các cấp học cơ bản đều muốn đào tạo người học trở thành khuôn mẫu định sẵn - giống chính người dạy - chứ không phải là gợi mở, định hướng, vun xới để người học trở thành những con người khác với người dạy. Tâm lý phổ biến coi trọng quá mức bằng cấp (về hình thức bằng cấp) chứ không phải coi trọng chất lượng con người, đã "uốn" đội ngũ người dạy và thiết chế dạy học theo hướng làm sao để xã hội chấp nhận cái bằng lóng lánh đó. Ngẫm cho cùng thì cách dạy cho đến nay dù đã có nhiều thay đổi cũng chưa thoát hết ra được mục tiêu dạy học cũ là dạy học làm sao để những người học có thể ra làm quan (ngày nay là công chức, viên chức) để vinh thân phì gia (có việc làm tốt và thu nhập cao, tạo thanh danh cho gia đình), chưa thoát hết mô hình giáo dục truyền thống là lấy người dạy làm trung tâm.

Bản chất vốn có của giáo dục là sáng tạo và nâng đỡ sự sáng tạo, vẫn chưa được chúng ta hiểu thấu hết và chưa được áp dụng triệt để. Khi dạy học trong thực tế là khơi nguồn và nâng đỡ sáng tạo thì tự thân nó đã "đồng bộ" với yêu cầu sinh sống, làm việc trong môi trường quốc tế hiện đại, "đồng bộ" với những thang giá trị thời đại. Và như thế sẽ không có phổ biến tình trạng cử nhân giỏi được đào tạo tại các trường đại học trong nước nhưng khi đối diện với người nước ngoài, hay làm việc trong môi trường quốc tế thì lại trở thành người bên lề hoặc tự kỷ!

Khi hội nhập và với sự phát triển công nghệ làm cho thông tin, kiến thức không có biên giới theo biên giới quốc gia, những loại hình giải trí mới đang xâm nhập vào lớp trẻ bằng môi trường internet với những hấp lực mới lạ. Người học sẽ chán những cách dạy theo khuôn mẫu đông cứng mà bị hút theo hấp lực mới lạ của thế giới biến ảo và từ đó mang thân phận của nô lệ hiện đại. Vì vậy, giáo dục nếu không thay đổi một cách căn bản, thay đổi một cách sáng tạo sẽ không níu giữ được người học trẻ tuổi để hướng vào giá trị đích thực của trí tuệ.

3. Trong môi trường dạy - học và môi trường xã hội coi trọng quá mức bằng cấp thì cách học của người học cũng không khác trước đây bao nhiêu. Những người học có ý thức học nghiêm túc đều không thể tách khỏi "lỗi truyền thống" là học bằng mọi giá để có thể ra làm công chức, viên chức, để có việc làm và thu nhập cao. Học gạo, thuộc lòng, sao chép và "dán" kiến thức; học nhiều, ghi nhớ nhiều nhưng khó chuyên sâu; kiến thức được truyền thụ thì phải ghi nhớ như thế, không cần lý giải tại sao và càng không cần phải sáng tạo - đó là mẫu số chung cách học của số đông người học hiện nay. Điều đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chúng ta thiếu chuyên gia - chuyên gia đúng nghĩa - mà lại có không ít người "đa di năng", biết nhiều nhưng thực chất chẳng biết sâu cái gì.

Như đã nói, người học là một chủ thể đặc biệt quan trọng của giáo dục. Nhưng ngay từ nhỏ, hầu hết chúng ta không xác định mình học để trở thành người với những tiêu chí khác biệt thế nào. Và cũng ngay từ nhỏ, người học đã không được coi là trung tâm của giáo dục - mặc dù về nguyên tắc phải là như vậy. Có người cho rằng, trở thành ai thì do người học chứ không phải là những chủ thể khác (Nhà nước, nhà trường, người dạy học) vì những chủ thể đó chỉ là chất xúc tác. Đúng, nhưng chỉ đúng ở mức độ nào đó vì số người học như vậy chiếm tỷ lệ không nhiều. Khi các chủ thể khác trong thái độ hành xử không coi người học là chủ thể chính của giáo dục thì "chất xúc tác" là những mẫu hình, công thức dạy học đông cứng sẽ lấn át sự khơi nguồn sáng tạo và tư duy độc lập của người học. Khi đó, người học sẽ tiếp nhận và trả kết quả cho người dạy và xã hội những thứ mà người dạy, nhà trường và tâm lý xã hội mong muốn. Thật buồn khi hôm nay vẫn tồn tại hậu quả của cách học theo bài mẫu mà một cháu nhỏ lớp 3 buộc phải làm như sau: "Nhà em có một con gà. Nó to như đống rơm. Cái mào của nó rất đẹp, cái cánh của nó cũng đẹp, cái chân của nó cũng đẹp. Em rất yêu con gà nhà em"?!!

Và lẽ đương nhiên, với những "lỗi" truyền thống từ cách dạy và học như trên sẽ đẻ ra những hành vi gian dối đang phổ biến đến mức nhức nhối: Chép tài liệu, cóp bài khi thi; "xào nấu" kiến thức của người khác, đạo luận văn, dùng bằng giả...

4. Mỗi lần cải cách giáo dục ở nước ta là mỗi lần gây sóng gió trong dư luận xã hội. Điều này không tránh khỏi bởi như đã nói, giáo dục là một phần tất yếu của cuộc sống các gia đình mà chưa bao giờ làm thỏa mãn tất cả mọi người. Không ít người bi quan khi khẳng định, nền giáo dục Việt Nam đang khủng hoảng trầm trọng, đang bộc lộ những lỗi hệ thống hết sức nguy hiểm. Cũng không ít người đang phủ nhận sạch trơn những thành quả của nền giáo dục Việt Nam gần một thế kỷ nay. Dù nền giáo dục nước ta đang có nhiều lỗi hệ thống nhưng với lý do gì đi nữa thì cách đánh giá như vậy không thể gọi là khách quan bởi những gì nền giáo dục nước ta mang lại vẫn còn hiện hữu ở những thế hệ người học cho đến tận hôm nay. Điều cần quan tâm là sự thay đổi của giáo dục luôn là tất yếu (như những lĩnh vực khác) cần thay đổi theo yêu cầu thời đại, nhưng thay đổi như thế nào mới là quan trọng.

Chúng ta phải ứng xử như thế nào với những thành tựu cũng như những lỗi hệ thống của giáo dục Việt Nam? Thành tựu thì dứt khoát phải ghi nhận, đó là lẽ đương nhiên. Những người ngoài cuộc còn khách quan ghi nhận những thành tựu của giáo dục Việt Nam huống gì chúng ta là người trong cuộc. Có nhiều người phê phán rất quyết liệt nền giáo dục nước nhà như là người ngoài cuộc, không liên quan gì, trong khi đó họ chính là những người tham gia vào hệ thống giáo dục, góp sức làm ra thiết chế giáo dục, đứng bục giảng cho nhiều thế hệ học trò hàng chục năm trước, thậm chí là người cầm chịch của những cuộc cải cách giáo dục. Đó là cách ứng xử phủi bỏ trách nhiệm liên quan đến đạo đức.

Hiện nay đang có "phong trào" lạ lùng. Đó là số đông người phê phán giáo dục gay gắt lại ít có hoặc không có kiến thức sư phạm. Nhà thơ phê phán giáo dục, đặt ra mô hình mới theo kiểu của mình. Nhà viết kịch, diễn viên, họa sĩ, chủ doanh nghiệp... cũng đổ xô vào phê phán giáo dục một cách hùng hồn và yêu cầu phải làm theo cái này, cái nọ. Như đã nói, giáo dục liên quan đến tất cả mọi người nên tất cả mọi người đều có quyền góp ý, nhưng góp ý lấy được theo lối phủ nhận sạch trơn và coi mình mới là chân lý trong khi mình không phải chuyên gia thì lại là chuyện không hay rồi.

"Trận đánh lớn" vừa rồi của ngành Giáo dục, khách quan mà nói về chiến lược là đang tiệm cận "luật chơi" giáo dục của thế giới hiện đại, nhưng cũng phát sinh những vấn đề phải chuyên tâm giải quyết. Trong bất cứ cuộc cải cách nào cũng có cái được và cái chưa được - thậm chí gây bức xúc trong dư luận xã hội - nên rất cần sự điều chỉnh tiếp theo, liên tục. Cái mới bao giờ cũng làm cho người tiếp nhận thận trọng, kể cả nghi ngờ. Điều cần nói là những người chủ trương thực hiện cái mới đó có dám làm, dám chịu trách nhiệm hay không. Cái chưa được, cái gây bức xúc là có thật. Việc cải cách tuyển sinh đại học vừa rồi, trong năm học mới này chúng ta bình tâm lại nên rất mong muốn những gì thực sự cách tân sẽ được triển khai tiếp, cái gì là khuyết tật cũ và khuyết tật mới phát sinh phải được cắt gọt, loại bỏ.
*
* *
Những khó khăn và thách thức chưa có tiền lệ của thời kỳ hội nhập đòi hỏi nền giáo dục Việt Nam phải đổi mới, không có con đường nào khác. Đổi mới cần nhiều năm để hoàn thành mục tiêu và sau đó lại phải tiếp tục các cuộc đổi mới khác do đòi hỏi của thời cuộc. Giáo dục đào tạo ra những con người mới cho xã hội, nhưng quá trình đào tạo đó không thể ngày một ngày hai, nên rất cần sự nâng đỡ, góp sức của các chủ thể giáo dục (Nhà nước, nhà trường, người dạy học, người học) và gia đình, xã hội. Vậy nên thái độ ứng xử của chúng ta là phải thận trọng nhưng trân trọng và chia sẻ, nâng đỡ những cái mới để cái mới đơm hoa kết trái, để nền giáo dục phát triển theo thời đại. Những người có trách nhiệm ở Bộ Giáo dục - Đào tạo cần phải thay đổi một cách toàn diện tư duy và phải có bản lĩnh để tiếp tục đổi mới. Nếu không, khi đổi mới nửa vời giáo dục (hay lĩnh vực nào cũng vậy) thì xã hội lại phải gánh chịu tình cảnh luẩn quẩn của những cuộc hô hoán thất thanh và những cuộc đánh bóng cá nhân khi hăng hái phê phán.

Cái háo hức ngày tựu trường một cách vô tư của trẻ em thì thời nào cũng vậy, chỉ khác nhau là tâm tư của người lớn do toan tính mà ra. Hãy để trẻ em vô tư đặt chân lên hành trình dài của đời người hơn là dội vào đầu các cháu những gáo nước lạnh toan tính và buồn bực của người lớn. 

0 comments:

Đăng nhận xét

BÁN TÒA VĂN PHÒNG GẤP

BÁN TÒA VĂN PHÒNG GẤP
TẠI TRUNG HÒA CẦU GIẤY HÀ NỘI

Mẹo trị HO miễn phí

Mẹo trị HO miễn phí
Cho BÉ và NGƯỜI GIÀ

Mua nhà không sổ đỏ?

BÍ MẬT TUYỆT VỜI ĐŨA TRE

BÍ MẬT TUYỆT VỜI ĐŨA TRE
KHỎE TẠI NHÀ

Categories

Bí kíp cho bà mẹ trẻ

Bí kíp cho bà mẹ trẻ
Nhiều sữa hơn cho bé

Mua nhà Hà Nội đẹp, rẻ, an toàn

Mua nhà Hà Nội đẹp, rẻ, an toàn
Có ngân hàng bảo đảm

Tham khảo Tử vi năm ĐINH DẬU 2017

Tham khảo Tử vi năm ĐINH DẬU 2017
Chút tâm linh cho ai cần năm ĐINH DẬU 2017

Tại sao khi uống BIA

Tại sao khi uống BIA
anh em hay nghĩ đến PHỤ NỮ ĐẸP?

Muốn làm mọi thứ thế nào, vào Google và gõ cái này là ra

Muốn làm mọi thứ thế nào, vào Google và gõ cái này là ra
làm thế nào, sao phải hỏi

Khi NĐT chung cư chọn VITC để giảm tới 20%

Khi NĐT chung cư chọn VITC để giảm tới 20%
Tiền trần sàn giảm tới 20%

1.5 tỷ nhà ở luôn Q.Đống Đa,nhà mặt đất, ngõ rộng

1.5 tỷ nhà ở luôn Q.Đống Đa,nhà mặt đất, ngõ rộng
30tr/m2, sổ đỏ, mới hoàn thiện, phố Trường Chinh

Đại hội quảng cáo lớn nhất năm 2013

Đại hội quảng cáo lớn nhất năm 2013
Đại hội quảng cáo châu Á lần thứ 28 sau hơn 50 năm được tổ chức lần đầu tại Việt Nam tháng 11/2013 >> click ảnh trên