Dân Hà thành “chuộng” mua thực phẩm… nhà hàng xóm
Ngoài sự tiện lợi, nhiều người đang chọn mua những mặt hàng thực phẩm từ người thân quen do lo ngại các vấn đề về an toàn thực phẩm. Sâu xa hơn, đây cũng chính là nỗi lo làm giảm năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay.
Từ những khu chung cư “tự cung tự cấp”...
Vài tháng gần đây, chị Ngọc Hương (Hà Đông, Hà Nội) rất ít khi bước chân ra đến chợ hay đi siêu thị để mua thức ăn cho gia đình. Tất cả đồ ăn từ rau củ quả cho tới thịt cá, chị đều mua từ những người hàng xóm của mình.
“Cư dân trong chung cư tôi đang sống lập một “cái chợ” trên mạng xã hội để tiện rao bán. Tôi có thể mua đủ các loại thực phẩm dùng hàng ngày do những người trong khu bán. Những thực phẩm này thường là do người nhà ở quê gửi lên, lại do người mà mình quen biết bán nên cũng yên tâm phần nào về mức độ an toàn”, chị Hương chia sẻ.
Mục lục rao vặt tại "chợ ảo" của một khu chung cư kéo dài tới gần 50 mặt hàng được thống kê cẩn thận.
Điểm qua một số “chợ rao vặt ảo” của các cư dân trong các khu chung cư có thể thấy, những mặt hàng được buôn bán hết sức đa dạng: từ thực phẩm tươi sống như rau thịt cá, lương thực như gạo, mì cho đến những món đồ ăn vặt hàng ngày, đặc sản vùng miền. Hoặc thậm chí, những mặt hàng hoa quả, trái cây “xách tay” từ nước ngoài về cũng được mua bán khá nhiều.
Theo chị Mai Lan (Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội): “Tôi thường đi làm từ sớm và về khá muộn nên chỉ tiện đi chợ hoặc siêu thị vào thứ 7 hoặc chủ nhật để mua đồ ăn cho cả tuần sau đó. Tuy nhiên, giờ chỉ cần hẹn trước, tôi có thể ăn mực ống Quảng Ninh, thịt lợn Hoà Bình, trứng gà ri quê gửi ra hay rau sạch trồng ở ruộng quê… tươi ngon vào bất cứ ngày nào trong tuần”.
"Thực phẩm tươi ngon, mang tận nhà, giá lại phải chăng hơn so với các cửa hàng thực phẩm sạch trên phố… cũng là lý do tôi chọn mua từ những người hàng xóm của mình”, chị Lan nói thêm.
Xuất phát từ nhu cầu gia đình, nhiều cư dân đã dần phân phối thực phẩm sạch cho hàng trăm người hàng xóm trong khu nhà mình ở.
Ở góc độ người bán, chị Đoàn Ngân (Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay: “Bố mẹ ở quê hàng tuần vẫn thường gửi gạo, rau hay thịt cá ra cho vợ chồng tôi. Ban đầu, xuất phát từ nhu cầu của gia đình, sau thì mua giúp cho 1, 2 nhà hàng xóm. Sau đó, thấy nhiều người có nhu cầu nên cũng rao bán và được nhiều người ủng hộ. Giờ chỉ riêng gạo cũng có khoảng gần trăm hộ trong khu chung cư mua thường xuyên của tôi, còn thịt lợn thì mỗi tuần cũng phải chuyển ra vài chục cân”.
… Nhìn tới nỗi lo muôn thuở về an toàn thực phẩm
Hội nghị khoa học quốc tế về phòng chống ung thư diễn ra tại Việt Nam vào năm 2013 cho thấy, Việt Nam là một trong những nước có số lượng người mắc bệnh ung thư nhiều nhất thế giới. Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân là thực phẩm hàng ngày không đảm bảo an toàn.
Liên tiếp trong thời gian qua, các lực lượng chức năng phát hiện nhiều loại thịt “bẩn”, ôi thiu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu, hoa quả Trung Quốc gắn mác Việt Nam… được tuồn vào các thành phố lớn để tiêu thụ, khiến người dân canh cánh nỗi lo nhiễm bệnh ngay trên bàn ăn của gia đình.
Báo cáo trước Quốc hội hồi đầu tháng 6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thừa nhận, nông sản để lưu thông trên thị trường, đặc biệt vào các thành phố, khu công nghiệp trong một số trường hợp có ô nhiễm. Về kết quả thực hiện siết chặt giám sát, Bộ trưởng cho hay, trong năm vừa qua đối với thịt phát hiện được 6,8% có nhiễm chất kháng sinh vượt mức cho phép, đối với thủy sản là 1,24%, đối với rau là 5,4%.
Nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm... là những tiêu chí hàng đầu mà người tiêu dùng đang hướng tới.
Theo một vị chuyên gia trong ngành, những thói quen mua sắm mới trong cộng đồng một hoặc một vài nhóm dân cư trong thành phố có thể không nói lên một xu hướng mới có được hình thành hay không. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận rằng nhu cầu đó tồn tại và hoàn toàn có thực.
"Căn nguyên xuất phát chính từ sự tiện lợi mà nó mang lại và cái chính là từ mong muốn mua những loại thực phẩm sạch có nguồn gốc rõ ràng của một bộ phận không nhỏ người dân. Trong đó, vấn đề “muôn thuở” vệ sinh an toàn thực phẩm càng đáng được lưu tâm hơn trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới”, vị này nói.
Chia sẻ tại một toạ đàm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, với các cơ hội rộng lớn mang tới từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam đang chuẩn bị tham gia, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, có thái độ dè dặt bởi sức cạnh tranh tương đối yếu. Theo đó, ngành nông nghiệp cần phải tái cơ cấu, cải thiện năng lực cạnh tranh bằng chính các yếu tố từ chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm đến giá cả, cách thức tiêu thụ để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.
Nói riêng về ngành chăn nuôi và những sản phẩm chăn nuôi, TS. Dương Xuân Tuyến - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Gia cầm VIGOVA cho rằng, một trong những thách thức của ngành chăn nuôi Việt Nam hiện nay là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, tồn dư chất kháng sinh, chất cấm... còn phổ biến.
“Nếu không có bước tiến về giống, kỹ thuật chăn nuôi, giảm chi phí giá thành, xây dựng chuỗi khép kín... thì khả năng cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu là khốc liệt, nhất là quy trình công nghệ của chúng ta đang lạc hậu nhiều so với thế giới” - TS. Tuyến cho biết.
Phương Dung
0 comments:
Đăng nhận xét