NDĐT - Ngày 5-10, sau năm năm đàm phán, 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được thỏa thuận lịch sử về việc cắt giảm hàng loạt hàng rào thuế quan từ mặt hàng ô tô cho đến gạo.
Tối 5-10 theo giờ Việt Nam, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Akira Amari, Trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản, đã thông báo cuộc đàm phán đã kết thúc sau một tuần họp ở Atlanta và sau hơn năm năm đàm phán căng thẳng. TPP là một thỏa thuận toàn diện, sẽ mở cửa các thị trường với các chuẩn mực thương mại cao. Tham gia hiệp định TPP, các nước cam kết giảm và miễn thuế đối với nhiều loại hàng hóa xuất nhập khẩu. Các nước cũng đồng thuận về nhiều quy định liên quan đến môi trường, quyền sở hữu trí tuệ…
Tổng thống Mỹ Barack Obama coi TPP là mục tiêu chính trong chính sách ngoại giao “xoay trục châu Á” của ông trong thời gian cuối cùng trước khi rời Nhà Trắng.
Trả lời phỏng vấn qua điện thoại từ Atlanta trên VTV trong chương trình thời sự tối 5-10, Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh cho biết các vấn đề tồn đọng từ vòng đàm phán trước ở Hawaii như phương thức tiếp cận thị trường bơ sữa, thời gian bảo hộ độc quyền các sản phẩm thuốc sinh học hay vấn đề về thị trường ô tô đều đã được giải quyết. Tới đây các nước sẽ tiến hành rà soát các nội dung cụ thể để công bố cho người dân và doanh nghiệp.
Hiệp định TPP chính thức có hiệu lực vẫn phải cần Quốc hội các nước tham gia phê chuẩn.
12 quốc gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam bắt đầu đàm phán TPP từ năm 2010, với mục tiêu giảm rào cản thương mại và thiết lập những tiêu chuẩn cao nhằm tăng cường thương mại và đầu tư, thúc đẩy sáng kiến, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và tạo thêm việc làm trong khối.
TPP sẽ hình thành một khu vực mậu dịch tự do chiếm tới 40% kinh tế và 30% thương mại toàn cầu, và được dự báo sẽ bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm.
XUÂN BÁCH
(Theo Bloomberg và VTV)
0 comments:
Đăng nhận xét