Nhiều chuyên gia cũng như cán bộ quản lý giáo dục cho rằng luật pháp hiện nay chưa cho phép học tại nhà (homeschooling), nhưng nếu thực tế ngày càng nhiều người dân có nhu cầu thì việc xem xét để tạo hành lang pháp lý cho việc này là điều cần thiết.
Nên đáp ứng nhu cầu đa dạng
Trao đổi với Thanh Niên, nhiều chuyên gia cũng như cán bộ quản lý giáo dục cho rằng, xét về quan điểm giáo dục thì việc tự học ở nhà là vạn cùng bất đắc dĩ, nhưng về khía cạnh pháp lý thì nhà nước cần đưa vào luật những quy định đảm bảo đáp ứng đa dạng nhu cầu học tập phong phú của người dân.
Một lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định luật Giáo dục chưa có hình thức tự học ở nhà. Với bậc phổ thông, việc tổ chức dạy học do các cơ sở giáo dục (bao gồm trường tiểu học, THCS, THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp) đảm nhiệm. Ngoài ra còn có loại hình giáo dục thường xuyên, trong đó các hình thức thực hiện để lấy văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm vừa làm vừa học, học từ xa, tự học có hướng dẫn. Tuy nhiên, tự học có hướng dẫn chỉ dành cho đối tượng người học từ 18 tuổi trở lên.
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng cuộc sống ngày càng phát triển, việc các cơ quan quản lý nhà nước lắng nghe để có những điều chỉnh phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu, dù rất riêng biệt, của người dân là điều nên làm. Ông Tiến khuyến nghị: “Bước đầu có thể quan tâm tới nhu cầu của những trường hợp vì hoàn cảnh bất đắc dĩ mà cho con học ở nhà, chứ không phải do không thích cho con đến trường”. Tuy nhiên, ông Tiến cho biết: “Trừ trường hợp đặc biệt, còn lại thì phụ huynh nên đưa con tới trường. Khi tới trường, điều các con thu nhận được không đơn giản chỉ là kiến thức mà còn được học các kỹ năng khác, trong đó được học và trải nghiệm về mối quan hệ xã hội, bao gồm có quan hệ bạn bè. Qua giao tiếp với bạn bè mà trẻ nhận biết về cuộc sống thật hơn, hình thành các cảm xúc cần thiết cho cuộc đời trưởng thành sau này”.
Trả lời phóng viên về khả năng để học tại nhà trở thành một mô hình học tập được công nhận chính thức tại VN, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng luật Giáo dục hiện chưa cho phép học sinh tự học ở nhà. Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện cũng chưa đặt ra vấn đề này. “Tuy nhiên, nếu như ngày càng nhiều người dân có nhu cầu cho con tự học ở nhà thì các nhà khoa học giáo dục cũng cần nghiên cứu, nếu thấy có căn cứ lý thuyết và cơ sở thực tiễn thì có thể kiến nghị để sửa đổi luật”, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh.
Cần điều kiện về chất lượng và quyền lợi
Theo tiến sĩ Phạm Quang Tiệp, Phó trưởng khoa Giáo dục tiểu học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, nếu xem xét việc cho phép tự học ở nhà với trẻ tiểu học thì cần phải chú ý tới những điều kiện không chỉ đảm bảo chất lượng giáo dục mà còn để đảm bảo quyền lợi cho trẻ. “Hiện ở VN còn nhiều điều kiện chưa thể thực hiện việc tự học ở nhà của trẻ tiểu học, như sự hiểu biết của phụ huynh, trình độ công nghệ thông tin, năng lực kiểm định chất lượng giáo dục của mình đều chưa tốt”, ông nói. Vì vậy, ông Tiệp cho rằng khi các điều kiện trên khắc phục được thì cũng mất một số năm nữa mới tính đến việc đưa vào luật mô hình học tại nhà.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên đại biểu quốc hội, cho rằng phụ huynh cần hết sức thận trọng, không nên chủ quan khi cứ cho rằng mình có bằng ĐH là có thể dạy con học tính, đánh vần, tập viết. Dạy học cho trẻ là một công việc đòi hỏi tính chuyên môn cao, người dạy không chỉ cần có kiến thức chuyên môn mà còn phải có kiến thức về tâm lý giáo dục, nắm bắt được các quy luật hình thành phát triển kiến thức - kỹ năng của một đứa trẻ tùy theo độ tuổi, và đặc biệt phải được đào tạo và trải nghiệm năng lực sư phạm.
Ý KIẾN
Tạo hành lang pháp lý
Nhu cầu được cho con học ở nhà có thể nảy sinh từ những đòi hỏi đa dạng, phong phú trong cuộc sống nhưng cũng là một dấu hiệu để các nhà quản lý, hoạch định chính sách giáo dục phải để tâm. Xét về quan điểm khoa học giáo dục, không nên khuyến khích xu hướng này.
Trẻ đến trường không phải để học kiến thức mà còn để được tương tác, học quan hệ, học cảm nhận cảm xúc của người khác. Tuy nhiên, cũng cần phải tính đến việc tạo hành lang pháp lý cho những phụ huynh thật sự cần được cho con tự học ở nhà. Ví dụ có những đứa trẻ khuyết tật, không thể đến lớp. Chúng ta có giáo dục hòa nhập nhưng để có chất lượng như các nước phát triển đang làm sẽ cực kỳ tốn kém. Vậy thì nên cho phép những phụ huynh có điều kiện về chuyên môn và một số yếu tố kèm theo tự dạy con ở nhà, sau đó đưa con đến kiểm tra định kỳ ở các tổ chức kiểm định độc lập. Tuy nhiên, cần phải có sự chuẩn bị đồng bộ từ hai phía, bộ máy quản lý nhà nước và gia đình.
GS-TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc
(Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội)
Nên chấp nhận các hình thức học khác nhau
Nên chấp nhận các hình thức học khác nhau, miễn là cuối cùng trẻ đạt được kết quả năng lực theo chuẩn mà nhà nước ban hành. Với hình thức học tại nhà thì cần phải quan tâm vấn đề: Ai sẽ là người dạy? Chúng ta cần phải xác định trẻ tiểu học không thể tự học mà cần có người dạy.
Với trẻ tiểu học, dù học ở nhà hay học theo các hình thức khác, chất lượng người thầy rất quan trọng. Không phải bất kỳ ai cũng có thể dạy cho trẻ tiểu học. Những yếu tố rất quan trọng với sự phát triển nhân cách cho một đứa trẻ ở thế kỷ 21 là tính cộng đồng, khả năng giao tiếp, khả năng hòa nhập... Nếu cho trẻ học tại nhà, nguy cơ thiếu hụt các kỹ năng này của trẻ là rất lớn. Ở Mỹ cho phép tự học ở nhà, nhưng họ cũng chỉ cho phép trong một khoảng thời gian giới hạn.
Quan điểm giáo dục hiện đại là học mọi lúc, mọi nơi. Vì thế học tại nhà hay học ở đâu không ảnh hưởng gì tới kết quả phổ cập.
PGS-TS Phó Đức Hòa
(Phó phòng Đào tạo sau ĐH, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) |
Quý Hiên