Một con đỉa bị chặt thành nhiều mảnh, mỗi mảnh tự phát triển thành và biến dần thành một con đỉa mới. Mỗi mảnh như vậy không thể hấp thụ thức ăn ở ngoài để trưởng thành. Vì vậy, mỗi mảnh phải phân phối lại các thức ăn dự trữ nhờ tự phân để tạo thành một con đỉa mới nhỏ xíu.
Những điều cần hiểu biết về con đỉa-một loài sinh vật thuộc ngành giun đốt Annelida
Giới thiệu về con đỉa
Đỉa là một nhóm sinh vật sống dưới nước thuộc ngành giun đốt (Annelida). Phân loại khoa học thì đỉa thuộc giới Animalia, ngànhAnnelida, lớp Clitellata, phân lớp Hirudinea (Lamarck, 1818), bộ Arhynchobdellida hoặcRhynchobdellida. Chúng có thân mềm và nhầy phù hợp với việc bơi lội trong nước. Thức ăn của đỉa là máu các loại động vật. Miệng đỉa có giác hút để châm vào con mồi và hút máu. Đỉa tiết ra chất chống đông máu nên vết chích sẽ bị chảy máu liên tục. Đỉacó nhiều loài khác nhau, có loài sống ở cạn, có loài sống ở nước ngọt. Đỉa ưa sống tự do hoặc sống ký sinh tạm thời ở các động vật khác, nhờ vào việc hút máu máu của các vật chủ (blood sucking worms). Đỉa phát triển mạnh trong ao hồ, đầm lầy. Trên thế giới có khoảng 650 loài đỉa.
Đỉa là động vật lưỡng tính, trứng phát triển trong kén do đai sinh dục tiết ra. Cấu tạo của cơ quan sinh dục ở đỉa tương tự như ở lớp giun, nhưng phát triển rất chậm, phải tới vài năm mới đạt tới giai đoạn trưởng thành. Tuổi thọ của đỉa có thể trên 20 năm. Cơ thể đỉa dẹt theo chiều lưng bụng và có tới 33 đốt, mỗi đốt lại được chia thành nhiều ngấn đốt phía bên ngoài gọi là vành. Đặc biệt nó có 2 giác dùng để bám chặt vào cơ thể vật chủ: giác trước (anterior sucker) hay giác miệng và giác sau (posterior sucker) hay giác bụng có hậu môn phía trên. Đỉa không có xoang cơ thể, giữa ruột và thành cơ thể chứa đầy nhu mô, chỉ để lại những xoang nhỏ làm nhiệm vụ tuần hoàn, gọi là xoang huyết. Ống tiêu hóa bắt đầu bằng miệng, tiếp sau là hầu. Đỉa bơi rất khỏe, khi bám vào da của người hay động vật, gờ cơ ở khoang miệng sẽ hoạt động như lưỡi cưa và gây nên một vết thương hình hoa thị. Hầu có thành cơ khỏe nên
hút rất mạnh tạo ra một khoảng chân không, nhờ đó mà đỉa bám rất chắc vào vết thương, kéo ra rất khó. Lớp tế bào biểu bì của đỉa luôn luôn tiết ra một chất dịch nhờn làm cho mặt da đỉa luôn luôn trơn bóng. Nhờ đặc tính này, mà các động vật sống trong nước rất khó bắt được đỉa. Ở hầu có tuyến đơn bào tiết ra chất kháng đông máu, nên máu được đỉa hút vào không đông, máu ở vết cắn của đỉa cũng rất lâu cầm. Ruột đỉa có các manh tràng bên làm tăng diện tiêu hóa của ruột. Máu ở trong ruột đỉa được tiêu rất chậm;
Đây là sinh vật lưỡng tính nhưng lại không thể tự thụ tinh. Đa số đỉa có vòi hút ở cả hai đầu; một vài giống có răng nhưng đa số chỉ có vòi dùng để hút dịch. Nước bọt của đỉa chứa chất gây tê, kháng đông máu và một hóa chất thúc đẩy sự thẩm thấu các thành phần cần thiết qua mô. Trong cơ thể nó có vi khuẩn Aeromonan hydrophila, giúp tiêu hóa máu và tạo ra một kháng sinh để tiêu diệt những vi khuẩn khác có thể gây thối rữa. Đại học Monash ở Australia đã phát hiện một giống đỉa có tên khoa học là Halobdella papillornata. Chúng sống theo bầy, có khả năng chăm sóc con cái cho đến khi trưởng thành, bảo vệ và di chuyển đỉa con đến những nơi an toàn. Đặc tính này vốn chỉ thấy ở động vật có xương sống.
Đỉa đã từng tồn tại khắp châu Âu song loài đỉa Hirudo medicinalis bản địa đã bị săn bắt tới mức gần như tuyệt chủng trong thế kỷ XIX. Hiện chúng là một loài được bảo vệ ngang bằng với... tê giác trắng. Nuôi đỉa không quá khó, mặc dù chúng hơi thất thường một chút khi sinh sản. Đỉa không thích sự thay đổi về nhiệt độ hoặc áp suất khí quyển. Giống như họ giun đất, đỉa là loài lưỡng tính. Chúng sinh sản bằng cách tạo ra nhiều kén nhỏ hình trái xoan. Những kén này được thụ tinh bởi một con đỉa khác và bị bỏ lại trên bờ sông hoặc bờ ao chờ tới ngày nở.
Một số loài đỉa biển sống rất lâu trong môi trường nước mặn và ở độ sâu rất đáng kể là 2200m. Gần đây, hai nhà sinh vật học người Mỹ là Peter Girguis thuộc trường đại học Harvard và Raymond Lee thuộc đại học Washington đã phát hiện một số giống đỉa biển thuộc loài Paralvinella sulfincola sống trong vùng nước nóng, nhiệt độ 45-55oC, là nhiệt độ ngoài ngưỡng thích hợp đối với hầu hết các động vật của hành tinh chúng ta. Những kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Science. Những giống đỉa biển này sống ở độ sâu 2200m, trong một “cột khói đen” trong lòng Thái Bình Dương, nơi có luồng nước rất nóng chảy qua. Nhiệt độ luồng nước nóng lên tới 350oC, chứa nhiều hợp chất sulfur và những kim loại nặng. Các con đỉa biển Paralvinella sulfincola có kích thước dài 5cm, sống trong một cái ống chứa đầy dịch nhầy được tiết ra từ cơ thể chúng. Theo các nhà nghiên cứu, dịch nhầy có tác dụng bảo vệ chúng khỏi các độc tố từ môi trường. Để nghiên cứu chúng, các nhà nghiên cứu đã nuôi những con đỉa biển trong phòng thí nghiệm với các điều kiện nhân tạo về nhiệt độ cao, áp lực nước lớn như ở độ sâu 2200m trong lòng đại dương. Dải nhiệt độ mà hai nhà nghiên cứu người Mỹ đã tiến hành thí nghiệm là từ 20-61oC và hai ông đã tìm ra nhiệt độ thích hợp cho loài đỉa biển này là trong khoảng 45-55oC.
Đỉa và vắt có cùng một tổ tiên, nhưng trong quá trình tìm kiếm thức ăn, có thể do môi trường sống và thức ăn có sự khác biệt, chúng tiến hóa để phù hợp với môi trường và thức ăn ưa thích của chúng. Con vắt sống trên rừng, hút máu động vật ở cạn, trong khi đỉa lại sống ở chỗ nước không quá mạnh, hút máu cá, ếch nhái và các loài động vật khác rơi xuống nước. Một nguyên nhân nữa, có lẽ để giảm sự cạnh tranh về thức ăn của đỉa và vắt ở nước hay ở cạn, một trong hai loài này đã tách ra để tìm môi trường sống và nguồn thức ăn mới.
Một số “tai nạn” do đỉa gây cho con người qua vài trường hợp tại Việt Nam
Trường hợp 1: Đĩa chui vào đường thở
Bệnh viện tai mũi họng TƯ tiếp nhận một cháu bé 3 tuổi, dân tộc Mông với triệu chứng ho khạc ra máu và khàn tiếng. Theo mẹ cháu kể, cách đây khoảng 2 tháng cháu theo mẹ ra suối chơi nghịch bị một con tắc te (đỉa suối) bám vào tay. Sau một hồi loay hoay, dằng kéo không được, cháu liền đưa tay lên mồm, dùng răng rứt con đỉa ra khỏi tay mình. Về nhà cháu thỉnh thoảng lên những cơn ho sặc sụa, khó thở và tím môi nhẹ, ho khạc ra một ít máu tươi cùng với nước bọt,có cảm giác buồn buồn trong cổ họng và đôi khi nôn khan. Cháu đã được điều trị bằng kháng sinh tại BV Sơn La nhưng không đỡ, nghi ngờ là dị vật đường thở nên được chuyển tới BV tai mũi họng TƯ. Tại đây, cháu được các thầy thuốc chuyên khoa chẩn đoán là dị vật sống đường thở, được soi gắp dị vật. Đó là một con đỉa suối đen, to, dài khoảng 15cm.
Dị vật đường thở sống là một bệnh khá đặc biệt của dị vật đường thở, nó có thể sống ký sinh vài ngày, thậm chí vài tháng mới được phát hiện. Đỉa suối có tên khoa học là Dinobella Ferox, sống trong nước suối khi còn non, thường chui vào sống trong khoang mũi, khoang họng và thanh khí quản trâu, bò, chó và người khi uống nước suối. Chính vì thế loại dị vật này gặp chủ yếu ở vùng rừng, núi, có suối nước chảy qua. Đỉa suối non có kích thước rất nhỏ, dài khoảng 1cm, như sợi tóc, nên khi uống nước suối, dị vật có trong nước suối sẽ xâm nhập vào trong họng, bám vào niêm mạc bằng giác bám, thường ở vùng thanh quản và khí quản, có thể do vùng này có lượng ô xy thích hợp cho cuộc sống ký sinh của chúng. Sau một thời gian hút máu người, đỉa suối sẽ lớn lên, có trường hợp lên đến 20cm, lúc đó mới đủ lớn để gây ra triệu chứng của dị vật.
Trường hợp 2: Đỉa nằm trong bàng quang bênh nhân
Các bác sĩ khoa Tiết niệu – BVĐK tỉnh Thanh Hóa vừa lấy một con đỉa còn sống trong bàng quang của bệnh nhân Lê Văn Bình, 15 tuổi, ở thôn 3, xã Yên Lạc, huyện Yên Định, Thanh Hóa. Em Bình kể lại rằng em cùng một số bạn đi tắm sông ở quê, đến trưa về nhà, Bình thấy đau tức vùng bàng quang và đi tiểu ra máu tươi, lúc 15g30 chiều cùng ngày, gia đình đưa Bình vào BVĐK tỉnh. Qua khám lâm sàng, các bác sĩ nhận thấy bàng quang của em căng; đặt ống thông tiểu thấy có nước tiểu lẫn máu tươi. Khi làm siêu âm, thấy bàng quang của Bình có nhiều máu cục và một vật thể lạ di chuyển trong bàng quang bệnh nhân, nghi là một con đỉa đã chui vào bàng quang qua đầu dương vật của bệnh nhân, các bác sĩ chỉ định phẫu thuật. Ca phẫu thuật thành công, gắp một con đỉa dài khoảng 6cm đang còn sống từ bàng quang của bệnh nhi.
Trường hợp 3: Con đỉa sống trong mũi bênh nhân 2 tuần
BVĐK Ninh Sơn, Ninh Thuận đã gắp một con đỉa “trâu” dài hơn 20cm từ mũi của bệnh nhân Nguyễn Văn S (34 tuổi, ở xã Lâm Sơn - Ninh Sơn). Theo lời kể của anh S. khoảng nửa tháng trước trên đường đi làm rẫy, anh có cúi mặt xuống con suối nhỏ để uống nước. Ngay tối hôm đó, mũi anh chảy máu và kéo dài nhiều ngày sau đó làm sức khỏe suy yếu hẳn nên phải đến bệnh viện khám và được bác sĩ phát hiện con đỉa trong mũi.
Trường hợp 4: Đỉa sống 2 tháng trong thanh khí quản của bệnh nhân
BVTƯ Huế cho biết nhóm thực hiện kỹ thuật nội soi của BV tiến hành gắp một con đỉa sống dài 6cm ở dị vật đường thở của một bệnh nhân đã 2 tháng. Bệnh nhân tên Nguyễn N. 37 tuổi, ở thôn Trung An, xã Lộc Trì, Phú Lộc, Huế. Ông N. nhập viện với tình trạng khàn tiếng và ho ra máu tươi dai dẳng. Trước đó, BV Phú Lộc điều trị hơn 10 ngày vẫn không khỏi. bệnh nhân N. cho biết, trong thời gian đó vẫn ăn, uống bình thường; song lúc nào ông cũng cảm giác có vật cản ở cổ. Tiền sử bệnh nhân thường xuyên đi rừng và hay uống nước khe suối, có thể con đỉa đã chui vào thanh khí quản của bệnh nhân bằng con đường này.
Vai trò cũng như giá trị của đỉa với y học cổ xưa
· Các đơn thuốc viết tay ở châu Âu thời Trung cổ đã minh họa những công dụng của đỉa trong việc điều trị nhiều căn bệnh khác nhau. Nhà độc tài Heraclet đã được thầy thuốc điều trị chứng béo phì bằng những ứng dụng đa năng của đỉa. Nửa sau thế kỷ 19, châu Âu đã chứng kiến những thành tựu khoa học được khám phá từ đỉa. Kỹ nghệ nuôi đỉa dùng trong y học phát triển thành một ngành công nghiệp quan trọng;
· Đỉa từng là một đề tài nổi cộm tại Pháp trong năm 1833, khi người ta phải nhập khẩu 4.500.000 con đỉa từ châu Mỹ do “nạn” khan hiếm sinh vật này ở Pháp. Người đề xướng phong trào dùng đỉa một cách rộng rãi trong bệnh viện là bác sĩ Francois Broussai (Pháp). Ông đã tự chữa bệnh cho mình với 15 ứng dụng từ đỉa và sử dụng 50-60 con đỉa cho mỗi ứng dụng. Nhu cầu dùng đỉa mạnh đến nỗi có lúc nó gần như tuyệt chủng tại châu Âu và đã được xếp vào danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng;
· Pháp và Hy Lạp - hai nước nuôi đỉa nhiều nhất tại châu Âu thời kỳ đó - thu hoạch khoảng 2.500 con đỉa mỗi ngày. Để cung cấp thức ăn cho chúng, những con ngựa già được dắt xuống đầm lầy để nhận cái chết sau khi đã bị hút cạn máu.
· Lịch sử chữa bệnh bằng đỉa bắt nguồn từ thời cổ đại. Các hình vẽ trên Kim tự tháp Ai Cập cho thấy phương thuốc tự nhiên này đã được biết đến từ thế kỷ 15 trước Công nguyên. Một bức họa cổ để lại cũng cho hay hoàng đế La Mã, Galerius đã được chữa bệnh bằng đỉa... Nhưng phải đến đầu thế kỷ 19 (sau Công nguyên) “đỉa liệu pháp” mới là thời thịnh vượng. Vào thời đó nước Pháp sử dụng 20-30 triệu con đỉa trong một năm, nước Anh dùng 7-9 triệu con, nước Nga cũng dùng nhiều. Lúc bấy giờ các bệnh viện, các nhà thuốc đều đặt một lọ sứ bày đỉa trên quầy. Các thầy thuốc thời đó tin rằng đỉa hút hết máu xấu trong cơ thể, để lại máu tốt, nên nhiều khi người bệnh được cho dùng nhiều đỉa hút một lượng máu khá lớn để trị bệnh nhức đầu, béo phì, tăng huyết áp... Trào lưu dùng đỉa vào trị liệu mạnh đến nỗi cạn kiệt nguồn nguyên liệu này. Do vậy ở Nga đã xuất hiện những cơ sở nhân giống và nuôi đỉa. Nhưng vào nửa sau của thế kỷ 19, người ta dần dần không còn quan tâm đến đỉa nữa. Khi đó đã xuất hiện những phương tiện đơn giản trong sử dụng hơn như các lọ thủy tinh hút máu, sau đó là aspirin, nitroglycerin và các dược chất khác. Tại nước Anh, cho đến năm 1910, “đỉa liệu pháp” thực sự đi vào quên lãng, thỉnh thoảng mới bắt gặp ở một số vùng hẻo lánh xa xôi như một giải pháp y học dân gian;
· Các bản thảo của Hippocrate thế kỷ 5 trước công nguyên đã ghi chép về việc ly trích máu bằng cách cắt hoặc mở tĩnh mạch nhằm loại bỏ tình trạng thừa dịch trong cơ thể, thay vì bắt người bệnh nhịn ăn, vừa mất nhiều thời gian vừa bất tiện. Đỉa đã sớm tỏ ra là công cụ đắc lực trong việc trích bớt máu của bệnh nhân, giúp cơ thể thoát khỏi tình trạng thừa dịch;
· Liệu pháp đỉa đã được sử dụng từ thời Ai Cập cổ đại. Họ sử dụng chúng để tiêu ''máu độc'' vốn được cho là gây nhiều ra nhiều bệnh. Các bác sĩ thời Trung cổ đã sử dụng chúng làm "phụ tá hút máu" trong quá trình phẫu thuật. Tuy nhiên vào những năm 1840, địa không còn được sử dụng do những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh của y học hiện đại.
· Đỉa cũng được sử dụng điều trị cho những trường hợp chấn thương. Sau trận Waterloo ở Bỉ năm 1885 (trận chiến quyết định vận mệnh của vua Napoléon), vị tướng Anh Simmons bị một vết thương ở bụng do đạn súng trường. Ông đã được chữa trị bằng cách cho đỉa gây chảy máu ở vết thương.
· Sự lạm dụng đỉa trong trị liệu cũng đã gây nhiều tai tiếng. Trong những ngày hấp hối của mình, nhà văn Nga Gogol đã phải chịu đựng sự hoành hành của những con đỉa nằm trong mũi. Nhiều người cho rằng chính đỉa đã làm cho ông chết sớm hơn. Người ta phỏng đoán rằng Tổng thống Mỹ George Washington bị tử vong do lạm dụng đỉa để trích máu. Ông đã dùng đỉa gây chảy máu 4 lần/ngày để điều trị một cơn viêm họng nghiêm trọng.
Khả năng phục hồi liệu pháp chữa bệnh bằng con đỉa trong y học hiện đại
Ngày nay, phương pháp y học cổ xưa dùng đỉa chữa bệnh đang được nghiên cứu phục hồi và nâng cao, thực sự “liệu pháp đỉa” đã dần dần trở lại trong 25 năm qua ở phương Tây. Ngày càng nhiều các nhà y học quan tâm tới phương thuốc cổ đã được kiểm chứng nhiều thế kỷ trong thực tiễn chữa bệnh. Đỉa được sử dụng lần đầu tiên trong y học vào khoảng năm 200 trước công nguyên và vẫn còn được sử dụng phổ biến cho tới giữa thế kỷ 19, khi thuốc tân dược bắt đầu phát triển và thay thế thuốc truyền thống:
Từ năm 1884, người ta đã tìm ra trong nước bọt đỉa có chất hirudin chống đông máu. Hirudin có trong tuyến đơn bào của thực quản đỉa, đó là đa peptid phân tử lượng 9.000. Hirudin tạo phức vững bền với thrombin, vì vậy thrombin mất khả năng chuyển fibrinogen thành fibrin làm cho máu không đông. Bác sĩ R.Sawyer còn cho biết nước bọt của đỉa tiết ra hỗn hợp hóa chất như thuốc gây tê (ngăn chặn cảm giác đau ở người bị nó hút máu, để đỉa không bị gỡ ra) và chất giãn mạch mở rộng mạch máu nơi vết cắn để đỉa hút được nhiều máu; chất chống đông và chất kháng sinh (giữ cho máu khỏi hỏng trong ruột đỉa suốt thời kỳ tiêu hóa có thể lên đến 6 tháng);
Đỉa-là dược liệu quý và công cụ chữa bệnh cho người do đặc tính các chất trong cơ thể đĩa
Ngoài hirudin đã biết, các nhà khoa học còn tách được 10 chất khác có tiềm lực như dược phẩm. Thí dụ hemetin có khả năng ngăn nhồi máu cơ tim bằng cách làm tan các cục máu đông trong động mạch vành. Hoặc enzym hyaluronidase tiêu hóa lớp kết dính giữa các tế bào, được dùng để tăng tốc độ lan rộng của thuốc tiêm và thuốc gây tê...
Đỉa có thể tái sử dụng cho cùng một bệnh nhân sau vài ngày, tuy nhiên những lần sử dụng sau sẽ kém hiệu quả hơn lần đầu. Vì là một “chế phẩm” có liên quan đến máu nên việc sử dụng và tiêu hủy đỉa cần phải tuân thủ một qui trình nghiêm ngặt:
- Đỉa được giữ trong tủ lạnh (10-200C) và không cung cấp thức ăn cho chúng
trong một khoảng thời gian trước khi sử dụng. Khi được thả, chúng sẽ trở nên rất háu ăn;
- Vùng da nơi đỉa sẽ tiếp xúc phải được rửa thật sạch bằng các dung dịch sát trùng, những vùng chung quanh phải băng cẩn thận, chỉ chừa một vết rạch chừng 1 cm;
- Đôi khi để “nhử” đỉa, người ta bôi vào chỗ cần hút máu dung dịch glucose 5% hoặc chích nhẹ để máu rỉ ra. Để đỉa no, cần một khoảng thời gian là 10-20 phút, có khi đến 2 giờ;
- Khi đã no, đỉa sẽ tự nhả ra. Không nên gỡ đỉa bằng cách kéo vì sẽ làm nó đứt đoạn, các độc chất trong cơ thể đỉa sẽ gây hại đến vết thương;
- Nếu muốn gỡ đỉa ra sớm trước khi chúng no, nên dùng cồn, muối, acid acetic, nước vôi...Cần theo dõi kỹ lưỡng khi trị liệu bằng đỉa;
- Mỗi ngày chỉ nên trị liệu 2 - 4 lần, trong tối đa một tuần, số lượng đỉa sử dụng thường dưới 6 con, mỗi lần không quá 20 phút;
- Chỉ sử dụng lại đỉa cho cùng một bệnh nhân. Trước khi dùng, đỉa phải được khử trùng bằng cách ngâm trong dung dịch NaCl 5% trong 1 phút để nhả hết máu cũ;
- Trong ống tiêu hóa của đỉa có vi khuẩn Aeromonas hydrophilia, dễ gây phản ứng nhiễm trùng
- Nếu dùng không đúng phương pháp, đỉa có thể nhả máu cũ chứa vi khuẩn này vào vết cắn.
Một số hình ảnh điều trị bệnh bằng đỉa liệu pháp cho bệnh nhân
Tài liệu tham khảo
1. Vũ Hương Văn. Sức khỏe và đời sống số ra thứ 7, ngày 26_01_2008. Thông tin y dược. Con đỉa-nguồn dược liệu tương lai.
2. Trích tư liệu và hình ảnh từ một số tạp chí Passion 2007; Express India, 2007; Le Monde, 2006; Reuters, 2008; Telegraph, Times of India, 2008, báo Sức khỏe và đời sống, Lao động, báo Tiền Phong.
| |||||||||||||||||||||||||
|
0 comments:
Đăng nhận xét