Thượng tọa Thích Huệ Đăng, giảng sư cao cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam:
“Cuộc sống hạnh phúc được xây bằng tình thương và trí tuệ”
Thứ Tư, 27/04/2016, 09:58:54
Thượng tọa Thích Huệ Đăng - nổi tiếng không chỉ bởi đã viết gần 50 cuốn sách giá trị về Phật pháp, mà còn được biết đến là người trồng hoa lan ở thành phố Đà Lạt, nhà khoa học đầu tiên của Phật giáo Việt Nam khi công trình nghiên cứu nhân bản vô tính cây sâm Ngọc Linh của ông được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng sáng chế độc quyền. Với quan điểm nhập thế giúp đời, Thượng tọa Thích Huệ Đăng trồng lan bán để tự lo cho mình, lấy tiền in sách giúp đỡ những người bất hạnh. Những năm gần đây, ông dốc sức phát triển nhân bản cây sâm Ngọc Linh, bào chế thành loại thuốc quý để tặng người nghèo. Thượng tọa Thích Huệ Đăng (ảnh bên) trò chuyện với báo Nhân Dân hằng tháng chung quanh chuyện đạo và đời với những vấn đề nhân sinh trong cuộc sống hiện đại.
Thưa Thượng tọa, làm sao đẩy lùi hiện tượng đốt vàng mã, dâng sao giải hạn đang bị lạm dụng trong đời sống?
Con người có hai cái quan trọng, u mê thì sẽ loạn, loạn thì phải ngu. Nếu mình đi theo một tín ngưỡng nào thì mình phải tỉnh, phải tìm hiểu, mục đích đến đó để làm gì.
Vì khi Trần Nhân Tông còn tại thế, ngài vừa tu, vừa lo việc nước. Chiều về các thiền sư dạy chân lý Phật giáo cho nhân dân, tôi đọc lịch sử thấy không hề nói đến chuyện cúng tiến, dâng sao giải hạn... Nên nhớ rằng, Đức Phật để lại chân lý chứ không để lại nghi thức.
Tôi đã in ra nhiều những cuốn sách về chân lý Phật giáo mà tôi viết, để phát cho người dân. Sách của tôi đều do Nhà xuất bản Tôn giáo duyệt. Tôi muốn người dân đọc để không còn mê lầm, hiểu đúng về Phật giáo và ứng dụng nó trong đời sống.
Thưa Thượng tọa, làm sao để người dân thấm nhuần được tư tưởng “cư trần lạc đạo” hết sức giản dị của Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông để có thể an vui với đời thường mà không cần phải quá nệ vào những nghi lễ cầu siêu, giải hạn, đốt vàng mã, cúng dường...?
Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông có bài thơ nổi tiếng Cư trần lạc đạo: Ở đời vui đạo hãy tùy duyên/ Đói thì ăn, mệt ngủ liền/ Trong nhà có báu thôi khỏi kiếm/ Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền. Cư trần lạc đạo nghĩa là ở đời mà vui đạo, là giác ngộ ngay giữa cuộc đời, giác ngộ không phải xa lánh cuộc đời hay quên đời. Báu vật ở ngay trong nhà mình, tìm kiếm gì đâu xa xôi. Đó chính là cuộc sống thường tình trong đời sống rồi buông tay khi vô thường đưa đến, có sinh phải có diệt. Nhưng không nên chỉ biết hướng ngoại tìm phương tiện mà không biết hồi tâm hướng nội, phải nhìn và nhận thức cái gì có sẵn trong bản thân mà xưa nay chúng ta đánh mất, chỉ biết chạy theo trần cạnh tạm bợ bên ngoài. Vì vậy, Đạo không đời lấy gì mà sửa/ Đời không đạo biết sửa với ai. Cư trần lạc đạo (ở đời vui đạo) là đạo nghiệp thế gian mà Trần Nhân Tông đưa ra vẫn đang rất sâu sắc, quý báu với người thời nay nhưng rất ít người thực hiện được.
Cái tham trong đời sống - làm sao chuyển hóa?
Vì sao kinh tế ngày càng phát triển, con người ngày càng nhiều các phương tiện vật chất, nhưng lại ít có cảm giác hạnh phúc hơn và khó “cư trần lạc đạo” hơn?
Cuộc sống xã hội ngày càng phát triển bề ngoài, về vật chất thì dường như con người càng đau khổ nội tâm, không thấy được an lạc và hạnh phúc. Càng ngày, con người càng có nhiều bệnh nan y, có khi ngồi trên đống của cải nhưng trong lòng không có nổi một giây phút bình yên chân thật, phải vật lộn với những cơn bạo bệnh ngày càng nhiều hơn và khó dự đoán hơn. Xã hội hướng đến vật chất quá nhiều nên con người có vẻ xa nhau hơn, mỗi người càng trở nên như sống cô đơn với cái ốc đảo (bản ngã) của riêng mình. Tất cả là do cái ích kỷ, tham lam ngày càng xâm chiếm con người của chúng ta.
Tuy nhiên, người ta có thể tìm thấy yên tĩnh an lạc và hạnh phúc thật sự giữa bão tố vì cái chân thật vốn ngự trong tâm hồn người nào đã tìm được Chân Ngã (Chân Tâm nơi chính mình). Trái lại, có khi ngồi ở một nơi vắng vẻ tĩnh mịch giữa chốn sa mạc hẻo lánh hoang vu, một mình đối diện với hoàng hôn êm ả nhưng lại bị giày vò cấu xé bởi cơn bão lòng, của những đam mê, dục vọng.
Sinh tử không đáng chịu, thế mà chúng ta đang chịu, khổ đâu không có thật, thế mà chúng ta đang khổ đau. Chúng ta khổ vì chúng ta đang có, chúng ta khổ vì chúng ta không có, khổ vì quá khứ đã qua, khổ vì tương lai chưa tới. Khổ vì tư tưởng xung đột nhau, dục vọng tranh chấp lý trí, ham muốn này xung đột với ham muốn kia, đem bản thân này tranh chống với người khác, nơi mặc cảm này tìm kiếm sự bù đắp nơi lãnh vực khác và thấy cuộc đời mình luôn chống lại mình. Chúng ta mãi loi ngoi, mãi tranh chấp, mãi đối kháng, mãi bất mãn. Chúng ta không dừng lại được để hưởng niềm an lạc của sự yên tĩnh chân thật trọn vẹn nơi chính mình. Cái tham của chúng ta trong cuộc sống này quá nhiều, làm sao chuyển hóa được?
Thượng tọa Thích Huệ Đăng lên núi tìm sâm Ngọc Linh để nghiên cứu và nhân bản.
“Xem cộng đồng là quyến thuộc”
Thưa Thượng tọa, làm sao chuyển hóa được?
Đạo Phật dạy rằng: Một cuộc sống an lạc và hạnh phúc phải được xây dựng bằng hai chất liệu từ bi (tình thương yêu) và trí tuệ. Hai chất liệu này lưu xuất từ tâm thanh tịnh của chính mình và luôn hướng tới mục đích làm lợi lạc cho cộng đồng và vạn vật. “Lấy tâm làm cha, lấy trí tuệ làm mẹ, lấy cộng đồng làm quyến thuộc”, tức là con người phải sống bằng tâm chân thật và trong sáng. Từ cái tâm chân thật trong sáng đó mới hành động với tâm hy sinh, tâm nhẫn nhục và tâm siêng năng thì trí tuệ mới hiện ra sáng rõ. Rồi từ đó mình đưa ra, ứng dụng cho cộng đồng làm quyến thuộc. Nếu sống ích kỷ, tật đố, sống cho cá nhân mình thì không làm được điều này. Nếu ai cũng xem cộng đồng là quyến thuộc, liệu họ có bỏ hóa chất độc hại vào thực phẩm bẩn để thu lợi cho bản thân, nhưng làm hại tới cộng đồng?
Tôi là nhà sư, danh tiếng, tiền bạc chỉ là phù du, cả ngày tôi chỉ mặc trên người chiếc áo cà sa, dùng hai bữa cơm chay đạm bạc. Tôi làm việc, để kiếm tiền lo Phật sự, khỏi phải nhận cúng dường của Phật tử. Chùa tôi không có hòm công đức, tôi tạo công ăn việc làm cho mọi người và giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh với cái tâm siêng năng, nhẫn nhục, hy sinh, xem cộng đồng là quyến thuộc của mình. Nếu không xem cộng đồng là quyến thuộc thì năm nay gần 80 tuổi tôi vẫn làm việc ngày đêm để làm gì. Tất cả là ở cái tâm của mình.
Đó phải chăng cũng là nền tảng của Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước “Xây dựng và phát huy nguồn lực trí tuệ Việt Nam, phục vụ sự nghiệp chấn hưng văn hóa Việt Nam thế kỷ 21” mà Thượng tọa tham gia cũng như quan điểm tái cấu trúc con người Việt Nam mà ông từng đặt ra?
Trong sự nghiệp chấn hưng đất nước cần có trí tuệ, mà trí tuệ tự đâu ra, chính là từ chữ tâm. Tâm vì cộng đồng thì mới rộng lớn, tâm rộng lớn thì trí rộng lớn, trí rộng lớn thì khi đó mới làm việc rộng lớn, mà như vậy mới có công đức rộng lớn.
Tái cấu trúc con người Việt Nam theo tôi cần ba tiêu chí, kỹ năng, sức khỏe và uy tín. Những điều này, thoạt nghe tưởng là mới, nhưng thực ra Đức Phật dạy từ rất lâu rồi. Phải biết lượng nhập mà xuất, tăng thu giảm chi, tác phong chỉnh tề, nghiêm ngắn, sống thanh khiết. Kinh Thiện Sanh nói: “Trước phải học tập kỹ nghệ. Có kỹ nghệ thì mới được nghề nghiệp. Và được nghề nghiệp thì mới có của cải”. Rồi Kinh Tạp A-Hàm nói: “Trước học nghề kỹ xảo, sau là tích lũy sản vật. Có sản vật đó rồi, phải chia làm bốn phần: Một phần dùng để ăn; hai phần để phát triển nghề nghiệp; phần còn lại giúp đỡ người nghèo khó”. Về sức khỏe, Đức Thế Tôn khuyến cáo chúng ta là bệnh tật sinh ra do: Dùng thức ăn quá hạn; quá nhiều lo lắng, ham muốn; sinh hoạt vô độ và không biết gần gũi Y và Dược... Những điều Phật dạy thật bình dị, thiết thực.
Thưa Thượng tọa, trong phòng ông có treo trang trọng bức ảnh một nhà sư áo vàng, nét mặt trang nghiêm, đang cầm bát đi khất thực. Xin cho biết đó là ai?
Đó là Đại Bồ Tát Hồ Chí Minh, ảnh chụp khi Ngài mang bát đi khất thực ở Thái-lan. Ngài từ bỏ cuộc sống yên bình để dấn thân vào con đường mịt mù chông gai, gian khổ, từ đó tìm ra con đường cứu dân, cứu nước, giành độc lập tự do cho dân tộc. Điều này giống Phật Thích Ca Mâu Ni từ bỏ cung vàng điện ngọc, đi tu hành tìm ra chân lý cứu độ chúng sinh.
Đã nhiều người cho rằng Ngài mang bát đi khất thực ở Thái-lan là để che mắt mật thám. Theo tôi, thật ra không chỉ như vậy. Đi khất thực ngoài ý nghĩa nhận sự cúng dường của chúng sinh còn là một hình thức tu thiền, để cảm nhận được cuộc sống vất vả lầm than, để mà suy ngẫm về số phận của chúng sinh. Nhà sư đi khất thực chỉ đi theo một con đường luôn hướng về phía trước và không được quay ngược trở lại, đây chính là ý nghĩa đích thực của việc đi khất thực. Cũng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đã lên tàu bôn ba năm châu bốn biển, chỉ về khi đã tìm ra chân lý.
Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, tôi thấy có nhiều nét tương đồng với các tư tưởng lớn của Phật giáo, như: vì con người, lo cho con người; sống thanh bạch, giản dị, tránh xa hoa lãng phí; chống chủ nghĩa cá nhân, chống thói hư tật xấu, tha hóa về đạo đức. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tôn chỉ mục đích của đạo Phật nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và no ấm”.
Xin cảm ơn Thượng tọa!
tags: Cuộc sống hạnh phúc được xây bằng tình thương và trí tuệ (nhandan.com.vn),làm thế nào hàng ngày,làm thế nào,Cuộc sống hạnh phúc được xây bằng tình thương và trí tuệ (nhandan.com.vn),làm thế nào hàng ngày,làm thế nào
0 comments:
Đăng nhận xét