Làm gì để tránh "hội chứng Đền Hùng"?/
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ kiến giải sự hỗn loạn trong ngày quốc giỗ vừa qua, cùng nêu giải pháp tránh tình trạng tương tự, có thể biến thành “hội chứng Đền Hùng” ở các mùa sau./
Vất vả giải cứu trẻ nhỏ ở lễ hội Đền Hùng 2016. Ảnh: Trần Thường (Vietnamnet).
Khoảng 2,5 triệu người hành hương về đất Tổ ngày quốc giỗ vừa qua tạo cảnh tượng mà có người đùa là “Đền Hùng thất thủ”. Và “may không xảy ra thảm cảnh như ở thánh địa Mecca”. Ông lý giải hiện tượng này thế nào?
Sự quá tải đặt ra cho bất cứ lễ hội nào hiện nay. Trên hiện thực, đó là việc tập trung quá đông người trên một không gian hữu hạn và trong thời gian hữu hạn. Hội Lim, hội đền Trần, hội Gióng, hội Phủ Dầy… đều từng quá tải. Trên bình diện tổ chức, đó là sự quá tải vượt ra khỏi định liệu của người tổ chức, tạo bột phát tiêu cực, dẫn tới lúng túng.
Mỗi sự quá tải, tùy theo tính chất của lễ hội, mà nảy sinh lộn xộn khác nhau. Đền Trần, Hội Gióng lộn xộn do mê tín việc cướp lộc. Hội Lim lộn xộn do chen lấn trong không gian hẹp. Lễ hội Đền Hùng cũng do không gian hẹp nên xô đẩy nhau. Hỗn loạn là tất yếu.
Kinh tế phát triển khiến nhiều người đủ điều kiện đi hội, giao thông thuận lợi nên người đi hội càng đông, truyền thông phổ biến nên lượng người quan tâm càng nhiều.
Người càng đông thì lộn xộn bùng phát là tất nhiên. Rất may các đồng chí công an và bảo vệ nghĩ ngay việc giải cứu người già và trẻ em nên hậu quả đáng tiếc không xảy ra. Công an vất vả giải cứu các cháu là hình ảnh đẹp trên các phương tiện truyền thông, đúng là họ đã nhanh nhạy phát hiện ra nút gỡ hiệu quả nhất trong tình thế gấp rút nhất.
Qua một lễ hội, người ta đánh giá thành công hay không căn cứ trên các yếu tố: Tâm linh, văn hóa, kinh tế. Thì lễ hội như Đền Hùng vừa qua có đạt?
Lễ hội Đền Hùng quan trọng bậc nhất trong hệ thống lễ hội quốc gia với tinh thần ái quốc, là cố kết mọi thành phần để quốc gia trường tồn và phát triển. Việc chính quyền tổ chức, chính khách tham gia, người dân dự đông đảo là dấu hiệu trưởng thành của tinh thần đó. Thành công của nó luôn đáng ghi nhận.
Về văn hóa, nó quảng bá một hình ảnh Việt Nam cho mọi người và cho các nền văn hóa khác trên thế giới. Một cuộc hành hương vĩ đại về với cội nguồn quốc gia thống nhất vững bền. Còn giá trị kinh tế chắc sâu xa hơn khi hình ảnh một cộng đồng được khẳng định về nhân phẩm thì hết sức có lợi cho phát triển kinh tế bền vững.
Những lộn xộn, có khi hi hữu bùng phát thành hỗn loạn thì thật đáng tiếc. Với lễ hội Đền Hùng năm nay, may chưa đến mức rã đám. Lễ kỉ niệm nghìn năm Thăng Long Hà Nội trên không gian Mễ Trì hỗn loạn hơn nhiều.
Lễ hội Đền Hùng năm nay là lời cảnh báo kịp thời nhất cho các nhà tổ chức. Cần rút kinh nghiệm sâu sắc cho các năm sau.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ.
Ông thường không qui trách nhiệm cho người dân trong những cuộc thế này. Sự thực là ý thức của khá nhiều người dân còn kém. Tan hội rút đi để lại núi rác trùng điệp ở các bậc thang, trong rừng. Chen lấn, giẫm đạp lên nhau không thở nổi, mặc bộ ngủ đi hàng trăm cây số hành hương, tha lôi trẻ nhỏ đến nơi đông nghịt cũng có nghĩa là nguy hiểm. Vân vân.
Qui trách nhiệm cho dân là lối thoái thác dễ nhất nhưng cũng dễ sai nhất. Tôi cho rằng, trách nhiệm chính thuộc về những người tổ chức.
Nếu thành công mĩ mãn thì người được cám ơn đầu tiên là nhân dân. Còn chưa thành công thì nhận trách nhiệm đầu tiên là người tổ chức.
Với nhà tổ chức, quan tâm đầu tiên là lượng định được số người tham gia để có các phương án thích hợp khi tiêu cực bùng phát. Mỗi lễ hội phải có kịch bản, tổng đạo diễn và lượng định các khả năng tiêu cực nhất để ứng phó. Người tổ chức phải có năng lực nhìn nhận các hành động bùng nổ rối loạn để gỡ được những nút thắt trong nhịp điệu lễ hội.
Chúng tôi vừa tổ chức một lễ hội của Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc (Lệ Thủy, Quảng Bình) rất thành công. Ước lượng khách hành lễ là 2 vạn rưỡi người, thực tế trên 3 vạn. Các cuộc họp hầu như chỉ xoay quanh vấn đề bùng phát hỗn loạn và cách khống chế. Các lực lượng tham gia bảo vệ được huy động tối đa, đặc biệt là thanh niên Phật tử tình nguyện, hội các gia đình Phật tử của nhiều tỉnh.
Không gian lễ hội tỏa rộng hai bên bờ 17 km đường sông, các hành động hội diễn ra đồng đều trên 4 km vuông của xã Mỹ Thủy để phân tán khách thập phương, không chỉ dồn vào cửa di tích-chùa. Phát vạn rưỡi suất lộc trong 2 buổi rất thông thủy và trật tự vì sử dụng hai lối đi một chiều, không lưu người khiến tắc nghẽn. Rồi biểu diễn nghệ thuật dân gian trên không gian rộng và vào buổi tối, ít người hành lễ…
Sau hai ngày lễ, sân chùa và ngõ xóm không lưu lại một mẩu giấy vụn, tất cả đều hoan hỉ.
Cần có chỉ đạo sát sao, phân công phân nhiệm và kiểm tra cụ thể từng phần việc, không tạo môi trường bùng phát hỗn loạn. Những kinh nghiệm nhiều năm lễ hội Bắc bộ đã được chúng tôi nhấn mạnh khi tiến hành.
Mình tạo ra một “sân chơi” thì phải chịu trách nhiệm với thành công của nó.
Còn nhân dân? Một điều kiện tốt thì họ sẽ hướng đến hành vi tốt, điều kiện tạo ra những tiêu cực thì tiêu cực bùng phát. Không trách họ vì điều kiện xô đẩy họ vào việc tranh giành.
Như lễ hội Hùng Vương, đã là quốc lễ chả nhẽ không vận dụng trí tuệ nhà chuyên môn cả nước làm cho nó xứng đáng với giá trị mà nó có chăng?
Một lễ hội quốc gia như Đền Hùng lẽ ra là niềm vui, tự hào của địa phương, thì lại thành mối lo lớn, lo cho những mùa sau. Từng cố vấn, là tác giả kịch bản, đạo diễn nhiều lễ hội, ông có cao kiến gì để tránh “hội chứng Đền Hùng”?
Tôi chả dám có “cao kiến”. Nhưng những gì đã xác định giá trị tốt đẹp thì dẫu là “mối lo lớn” cũng phải vượt qua.
Mối lo nhất của tất cả các quốc gia trên thế giới là mất độc lập tự do. Các nước đã lần lượt vượt qua để tồn tại ngày càng bình đẳng. Nói đến cái “tầm quốc gia” của lễ hội Đền Hùng chính cũng là nói đến giá trị vô song của nó.
Bằng những chứng kiến, tìm hiểu và từng tham gia phục dựng một số lễ hội tôi cho rằng cần những điều sau:
Các nhà chuyên môn, tùy công việc mà xem lại toàn bộ kịch bản lễ hội, góp ý hoàn chỉnh một kịch bản khả dụng, ứng biến cho tình trạng quá tải trong một không gian hẹp và thời gian hạn định như hôm nay. Cụ thể có ba điều cần quan tâm.
Thứ nhất, qui hoạch mở rộng không gian hội. Mở rộng không có nghĩa là giải phóng mặt bằng, đền bù, xây mới mà vận dụng nhiều không gian cho nhiều hành động hội khác nhau. Kinh nghiệm của Hội Lim thời gian qua là kêu gọi, khuyến khích nhiều gia đình tổ chức hát tại gia để giãn người nghe vào các xóm, không chỉ tập trung vào đình và núi như trước đây.
Thứ hai, về thời gian, ngoài ngày lễ chính, tạo nên một kì (hoặc tiết) lễ hội trong 10 ngày hành hương và chiêm bái (giống như tiết thanh minh hay mùa lễ hội Chùa Hương), khách sẽ giãn ra các thời gian khác nhau.
Thứ ba, gia tăng các hành động hội như trò chơi dân gian, ca hát dân gian ở nhiều địa điểm khác nhau, thu hút khách đồng đều trên diện rộng. Nói chung, hành động hội chúng ta chưa sáng tạo được bao nhiêu cho lễ hội Đền Hùng. Nên đặt hàng các nghệ sĩ, các đạo diễn để họ sáng tác các hành động hội khác nhau vừa truyền thống, vừa hiện đại. Đạo diễn Trương Nghệ Mưu là một người lành nghề trong các sáng tạo này để quảng bá hình ảnh văn hóa phong phú và độc đáo ra thế giới.
Về tổ chức, nên vận động thanh niên tình nguyện. Họ kết làm các đội, tự ăn ở, giúp đỡ BTC giới thiệu, hướng dẫn, nhắc nhở vệ sinh. Tôi thấy việc này ở các kì lễ hội chùa, thanh niên Phật tử làm quá tốt. Sao chúng ta không vận động được. Một nhân dân sẽ rất đáng kính trọng khi họ được hướng dẫn để có hành vi văn minh hơn, tốt đẹp hơn.
Việc có khó mới cần phải có chỉ đạo, có sáng kiến, có sáng tạo và sự tận tâm tận lực. Khó mà bỏ thì còn nói làm gì!
Cảm ơn ông!
Theo Dương Phương Vinh
Tiền Phong
Tiền Phong
Tags: Không chỉ Đền Hùng: làm gì để tránh điều này?,làm thế nào hàng ngày,làm thế nào
0 comments:
Đăng nhận xét