23 thói quen của nhà đầu tư bậc thầy và nhà đầu tư thua lỗ
Warren Buffett và George Soros được xem là hai nhà đầu tư thành công nhất thế giới. Cả hai đều khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng và trở thành tỷ phú, nhưng cách thức đầu tư của hai người thì khác nhau.
Buffett dùng tiền mặt mua cổ phiếu và các doanh nghiệp được định giá thấp hơn giá trị thực của chúng, rồi sở hữu vĩnh viễn, còn Soros nổi tiếng nhờ những vụ mua bán chớp nhoáng trên thị trường tiền tệ.
Tuy nhiên, cả Warren Buffett và George Soros lại có những thói quen tinh thần và chiến lược đầu tư giống nhau.
Doanh nhân Mark Tier đã phân tích, giới thiệu 23 thói quen của hai nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett và George Soros trong cuốn sách Bí quyết đầu tư và kinh doanh chứng khoán của tỷ phú Warren Buffett và George Soros.
Nhà đầu tư bậc thầy
1. Tin rằng việc bảo toàn vốn - nền tảng của chiến lược đầu tư - luôn là ưu tiên hàng đầu.
2. Tránh rủi ro là hệ quả của thói quen thành công thứ nhất.
3. Phát triển triết lý đầu tư của riêng mình. Triết lý ấy phản ánh tính cách, năng lực, sở thích và mục tiêu của mỗi người.
4. Xây dựng và thử nghiệm hệ thống của riêng mình để lựa chọn, mua và bán trong các vụ đầu tư.
5. Tin rằng đa dạng hóa chỉ là trò "thả mồi bắt bóng".
6. Ghét nộp thuế, dàn xếp công việc để giảm thiểu một cách hợp pháp những con số ghi trong hóa đơn thuế.
7. Chỉ đầu tư vào lĩnh vực mà họ am hiểu.
8. Dễ dàng nói "Không" với những vụ đầu tư không đáp ứng tiêu chuẩn của mình.
9. Liên tục tìm kiếm những cơ hội đầu tư mới đáp ứng được các tiêu chuẩn của mình, đồng thời thực hiện công việc nghiên cứu một cách tích cực.
10. Khi không thể tìm được một vụ đầu tư phù hợp, họ có đủ kiên nhẫn để chờ cho đến khi tìm thấy.
11. Hành động tức khắc.
12. Giữ vụ đầu tư cho đến khi có lý do (được xác định trước dựa trên các nguyên tắc đầu tư của mình) để ngưng đầu tư.
13. Trung thành với hệ thống riêng của mình.
14. Nhận thức được rằng họ cũng có thể sai lầm và sửa chữa ngay sau khi nhận ra. Nhờ vậy, tổn thất không đáng kể.
15. Luôn xem sai lầm là bài học kinh nghiệm.
16. Kinh nghiệm tích lũy được càng nhiều, họ càng thu được nhiều lợi nhuận. Có thể nói rằng họ đã "trả học phí" để có kết quả như hiện nay.
17. Không bao giờ nói với bất kỳ ai về những quyết định đầu tư họ đang làm.
18. Chọn người tin cậy để giao phó công việc.
19. Chi tiêu ít hơn số tiền kiếm được.
20. Làm việc để được thoải mái tinh thần và để hoàn thành ước nguyện chứ không phải vì tiền.
21. Yêu thích quá trình đầu tư chứ không phải các vụ đầu tư cá nhân.
22. Sống và thở bằng đầu tư 24 giờ mỗi ngày.
23. Đầu tư tiền của mình vào nơi mình làm việc, bởi đó chính là nơi họ kiếm ra tiền dễ dàng nhất.
Nhà đầu tư thua lỗ
1. Mục đích đầu tư duy nhất là "kiếm thật nhiều tiền". Kết quả là anh ta thường không giữ được số tiền đó.
2. Nghĩ rằng chỉ có thể thu được những khoản lợi nhuận lớn bằng cách chấp nhận rủi ro lớn.
3. Không có triết lý đầu tư, hoặc sử dụng triết lý đầu tư của người khác.
4. Không có hệ thống, hoặc tiếp nhận hệ thống của người khác mà không thử nghiệm - điều chỉnh cho phù hợp với tính cách của mình.
5. Thiếu tự tin để bỏ ra một số tiền lớn trong bất cứ vụ đầu tư nào.
6. Bỏ qua hay phớt lờ gánh nặng mà các khoản thuế và chi phí giao dịch áp đặt cho việc đầu tư dài hạn.
7. Không nhận ra rằng hiểu biết sâu sắc về việc đang làm là điều kiện tiên quyết để thành công. Hiếm khi nhận ra cơ hội ngay trong phạm vi hiểu biết của mình.
8. Vì sự tham lam mà không thể từ chối những vụ đầu tư không đạt tiêu chuẩn.
9. Tìm kiếm vận may "ngàn năm có một" có thể giúp họ thu được khoản lợi lớn, nên thường máy móc làm theo những lời khuyên của các "chuyên gia", không tìm hiểu chi tiết về vụ đầu tư.
10. Lúc nào cũng cảm thấy mình cần phải làm một điều gì đó trên thị trường.
11. Do dự.
12. Vì lo sợ rằng lợi nhuận ít sẽ biến thành thua lỗ, nên họ rút tiền mặt lại và do đó thường bỏ lỡ những khoản lợi khổng lồ.
13. Liên tục bỏ qua lời nhắc nhở từ hệ thống của mình. Thay đổi các tiêu chuẩn và mục tiêu để bào chữa.
14. Bám vào những vụ đầu tư thua lỗ với hy vọng có thể "bứt phá" bằng cách nào đó. Kết quả là thường phải chịu tổn thất nặng nề.
15. Không đủ kiên nhẫn theo đuổi bất kỳ phương pháp nào để nghiên cứu cách cải thiện tình hình.
16. Không ý thức được tầm quan trọng của việc "trả học phí". Hiếm khi học hỏi từ kinh nghiệm, nên lặp lại sai lầm cho đến khi bị cạn kiệt tiền bạc.
17. Luôn nói về các vụ đầu tư gần đây, kiểm nghiệm quyết định của mình dựa trên quan điểm của người khác.
18. Lựa chọn các nhà quản lý và cố vấn đầu tư tương tự như cách đưa ra quyết định đầu tư.
19. Tiêu xài nhiều hơn số tiền kiếm được.
20. Động cơ thúc đẩy là tiền và luôn nghĩ rằng đầu tư là cách làm giàu dễ dàng.
21. Say mê các vụ đầu tư của mình.
22. Không hoàn toàn tận tâm với việc đạt được các mục tiêu đầu tư.
23. Thường cấp ít vốn cho các vụ đầu tư và bù đắp tổn thất của đầu tư từ những nguồn khác."
Theo DNSG
0 comments:
Đăng nhận xét