Sen - Mạch nguồn nghệ thuật xuyên thời gian
NGÀY 7 THÁNG 9, 2015 | 14:00
SKĐS - Sự kiện văn hóa đề cập đến vẻ đẹp của hoa sen đã, đang và sẽ còn thu hút nhiều người, đó chính triển lãm chuyên đề “Sen trên cổ vật” đang diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (đường Phạm Ngũ Lão, Hà Nội)...
Sự kiện văn hóa đề cập đến vẻ đẹp của hoa sen đã, đang và sẽ còn thu hút nhiều người, đó chính triển lãm chuyên đề “Sen trên cổ vật” đang diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (đường Phạm Ngũ Lão, Hà Nội) và triển lãm kéo dài đến hết tháng 9/2015. Triển lãm này có ý nghĩa đặc biệt vì đã cho công chúng thấy được hoa sen là nguồn cảm hứng sáng tạo, là chất liệu của nghệ thuật ở nước ta nhiều thế kỷ qua.
“Đài phun nước Bông sen Vàng Hà Nội” – công trình đoạt giải Khuyến khích cuộc thi Thiết kế Quốc tế lần 8 tại Mỹ năm 2014.
Với khoảng 100 hiện vật tiêu biểu có niên đại từ thế kỷ 7 tới thời Nguyễn (1802 - 1945), “Sen trên cổ vật” cho thấy lịch sử phát triển của nghệ thuật tạo hình và trang trí gắn với biểu tượng hoa sen trong dòng chảy văn hóa Việt, giúp cho người dân khám phá những vẻ đẹp tuyệt vời từ hoa sen trên các cổ vật do người xưa để lại.
Những tác phẩm nghệ thuật sen trên cổ vật cung đình có hình tượng hoa sen được khắc họa hết sức tinh xảo, mềm mại, qua đó làm cho các đồ dùng trở nên sang trọng, quý giá. Trong khi đó, hình tượng hoa sen trong nghệ thuật Phật giáo từ những vật dụng nghi lễ và đồ thờ cúng bằng gỗ, đồng, gốm, đất nung, sành... có niên đại từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 20 cho khách thưởng lãm thấy những ý nghĩa văn hóa trong đời sống tâm linh người Việt. Ở nghệ thuật kiến trúc Phật giáo thời Lý - Trần, hoa sen lại trở thành một biểu tượng được ưa chuộng khi được trang trí đại trà. Hầu hết trong các bức phù điêu đá tảng kê chân cột, bệ tượng Phật, gạch lát nền, diềm ngói hoặc các hạng mục của toàn bộ công trình chùa Một Cột (thời Lý) đều được khắc hình hoa sen.
Xem triển lãm này, công chúng cũng nhận ra hoa sen trong nghệ thuật của các thời kỳ lịch sử cũng có sự thay đổi, tuy nhiên điều đó không làm mất đi giá trị tạo hình của loài hoa này bởi bề sâu ý nghĩa văn hóa của nó. Chẳng hạn ở thời Lý, các nghệ nhân vẫn khắc chìm các lớp cánh sen trên xương gốm, cả trong lòng và phía ngoài bát, đĩa, sau đó đem phủ men và nung. Đối với các loại bình, ấm, chân đèn, hũ... thì được trang trí đắp nổi nhiều lớp cánh sen trên nắp, cổ và chân, tạo nên vẻ đẹp thanh thoát, tao nhã, quý phái cho từng món đồ. Sang đến thời Trần, hình tượng hoa sen được thể hiện một cách khoáng đạt, với cách nhìn hiện thực hơn. Thời Lê, Nguyễn thì hình tượng hoa sen được bố cục chặt chẽ, nhưng vẫn linh hoạt với các hình khối sắc nét, tạo nên sự trang nhã, khúc triết trên từng tác phẩm nghệ thuật.
Trong cuộc tọa đàm với chủ đề “Vài nét về hình tượng hoa sen trong nghệ thuật tạo hình truyền thống Việt” diễn ra gần đây tại Hà Nội, PGS.TS. Triệu Thế Hùng - Vụ trưởng Vụ Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội chia sẻ: “Việc sử dụng hình ảnh hoa sen để làm thành một hình ảnh kiến trúc như chùa Một Cột (quận Ba Đình, Hà Nội) thì tôi cho đây là một công trình độc đáo và đặc sắc của người Việt”. Bởi lẽ, chùa Một Cột được đặt trên trụ bằng đá, phía trên có một bông sen ngàn cánh tượng trưng cho trí tuệ tuyệt luân, ngôi chùa được sơn đỏ chứa đựng sức mạnh linh thiêng vô bờ bến. Chùa Một Cột thể hiện ước muốn Đức Phật đem nguồn năng lượng vô lượng, vô biên của đất trời ban xuống cho đất nước được phì nhiêu và đưa đến những vụ mùa bội thu.
Và đến nay, hình tượng hoa sen vẫn được giới nghệ sĩ đương thời dùng làm chất liệu sáng tác. Tiêu biểu là tác phẩm Đài phun nước Bông sen Vàng Hà Nội của họa sĩ Nguyễn Thu Thủy (giải Khuyến khích cuộc thi Thiết kế Quốc tế lần thứ 8 tại Los Angeles, Mỹ năm 2014). Tác phẩm có 18 cánh gốm được tạo hình nhẹ nhàng thanh thoát với 5 màu vàng đậm nhạt được chuyển dịu dàng trên 3 lớp cánh sen. Bông sen Vàng được phủ lớp gốm với hàng triệu viên gốm nhỏ được xếp khéo léo theo những đường lượn của cánh sen, tạo nên hiệu ứng lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời qua góc nhìn và ngôn ngữ tạo hình khác nhau. Tất cả đều biểu đạt được giá trị thẩm mỹ vĩnh hằng của loài hoa đã thấm sâu vào tâm hồn dân tộc Việt.
Quỳnh Hoa
0 comments:
Đăng nhận xét