Chữa khỏi bệnh mất ngủ đơn giản không cần dùng thuốc
Thái Phong (T.H) |
Ngày nay, rất nhiều người mắc chứng bệnh mất ngủ nhưng không muốn dùng thuốc an thần vì lo ngại những tác dụng phụ của thuốc.
Giấc ngủ có một chức năng sinh học quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến các quá trình sinh lý của bạn. Mất ngủ khiến cho giấc ngủ thiếu hụt ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bạn.
Ngày nay, không chỉ người già mà rất nhiều người trẻ cũng rơi vào tình trạng mất ngủ. Để sức khỏe không bị bào mòn dần bởi chứng bệnh này, bạn nên tìm hiểu những nguyên nhân gây ra bệnh mất ngủ và khắc phục chúng.
1. Những nguyên nhân thường gặp dẫn tới chứng bệnh mất ngủ
- Căng thẳng:
Trong thời hiện đại, với áp lực công việc và cuộc sống, nhiều người cảm thấy căng thẳng thường xuyên. Sự căng thẳng này dẫn đến mất ngủ, thậm chí, ngay cả khi sự căng thẳng qua đi, bạn vẫn tiếp tục bị mất ngủ.
- Vấn đề tâm thần:
Sức khỏe tâm thần ảnh hưởng mật thiết đến giấc ngủ. Nếu như bạn gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần như rối loạn tâm trạng do trầm cảm hoặc rối loạn lưỡng cực, rối loạn lo âu, thường xuyên cảm thấy sợ hãi, căng thẳng... bạn rất dễ mắc chứng mất ngủ.
- Vấn đề sức khỏe:
Bạn có thể gặp chứng mất ngủ nếu cơ thể có vấn đề sức khỏe như mắc bệnh tim, phổi tăc nghẽn, hen suyễn, parkinson, alzheimer, bệnh tuyến giáp, bệnh tiểu đêm, hoặc bệnh khớp...
2. Những hiểm họa khi bị mất ngủ
Mất ngủ trong một thời gian dài không những bào mòn sức khỏe khiến bạn lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, suy kiệt mà còn gây ra những căn bệnh cực kỳ nghiêm trọng. Theo các nhà nghiên cứu, khi mắc bệnh mất ngủ kéo dài bạn có thể đối mặt với những căn bệnh sau:
- Tai biến mạch máu não:
Chuyên gia Megan Ruiter đến từ Đại học Alabama tại Birmingham đã công bố nghiên cứu của mình cho thấy người ngủ dưới 6h/đêm có nhiều khả năng đột quỵ hơn so với người nghỉ ngơi đầy đủ.
Nguy cơ này cũng gặp ở những người thừa cân, tiểu đường, tăng huyết áp do những người mang bệnh này cũng gặp vấn đề liên quan đến sức ngủ
- Béo phì và tiểu đường:
Bệnh mất ngủ có thể làm gia tăng lượng đường trong máu và làm chậm quá trình trao đổi chất của cơ thể, đó chính là nguyên nhân gây nên bệnh béo phì và tiểu đường.
- Trầm cảm:
Hình ảnh chụp não cho thấy thiếu ngủ có thể làm gia tăng các hoạt động tại các trung tâm cảm xúc của não đặc biệt là trong số những người hay lo âu. Chính điều này đã dẫn đến nguy cơ bị trầm cảm.
- Ung thư:
Các cuộc nghiên cứu đều cho thấy người ngủ ít hơn 6h một đêm có nguy cơ mắc ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư ruột kết.
Nguyên nhân là do thiếu ngủ đã dẫn đến tăng mức độ viêm sưng trong cơ thể và tác động vào các phản ứng miễn dịch, cả hai đều liên quan đến bệnh ung thư.
- Bệnh tim mạch:
Một cuộc nghiên cứu vào năm 2011 đăng tải trên tờ Tim mạch châu Âu đã khám phá ra rằng, những người ngủ ít hơn 6 tiếng/đêm thì có đến 48% là phát triển bệnh tim mạch hoặc qua đời vì bệnh tim.
Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy mức độ viêm sưng trong cơ thể, chứng tăng huyết áp và cholesterol ở những người thiếu ngủ.
3. Chữa bệnh mất ngủ không dùng thuốc
Ngày nay, rất nhiều người mắc chứng bệnh mất ngủ nhưng không muốn dùng thuốc an thần vì lo ngại những tác dụng phụ của thuốc. Thông thường, người ta thường "cầu viện" đến các giải pháp chữa mất ngủ của y học cổ truyền.
Trong Đông y, có rất nhiều cách chữa mất ngủ như sử dụng những món ăn - bài thuốc có tác dụng an thần. Có thể kết hợp giữa các bài thuốc an thần và việc xoa bóp một số vị trí trên cơ thể là cách chữa mất ngủ hiệu quả nhất.
Báo Sức khỏe và Đời sống dẫn lời bác sĩ Nguyễn Thị Hoa hướng dẫn cách xoa bóp đơn giản để chữa bệnh mất ngủ như sau:
Xoa xát vùng mặt:
Xoa 2 tay vào nhau cho nóng rồi dùng 2 tay xoa xát quanh mặt 10 - 20 vòng.
Dùng hai ngón tay giữa luân phiên day nhẹ huyệt ấn đường (ở giữa hai đường lông mi) 20 lần.
Huyệt ấn đường
Từ huyệt ấn đường vuốt nhẹ theo hai hàng mi tới huyệt thái dương, mỗi bên 30 lần cho đến khi huyệt có cảm giác hơi căng thì dừng lại.
Vuốt vùng tai:
Dùng 2 ngón tay cái đặt phía sau tai, 2 ngón tay trỏ đặt phía trước tai, vuốt từ đỉnh tai đến dái tai mỗi bên 20 lần. Khi cảm thấy tai nóng lên là được.
Vuốt vùng cổ:
Dùng 2 ngón tay trỏ bấm huyệt an miên (nằm chỗ lõm bên cạnh chỗ xương lồi lên ở phía sau tai) mỗi bên 5 lần.
Dùng mặt trong của các ngón tay xoa xát từ trên xuống dưới cổ 20 lần (xoa nhẹ và chậm), khi cảm thấy nóng cổ lên thì dừng lại.
Xoa vùng bụng (làm trước khi đi ngủ):
Nằm ngửa, 2 lòng bàn tay xoa xát vào nhau cho thật nóng. Đặt tay lên bụng xoa theo chiều kim đồng hồ 20 vòng rồi lại xoa ngược lại 20 vòng.
Day huyệt dũng tuyền:
Buổi tối trước khi đi ngủ ngâm chân vào nước ấm. Khi da chân hơi đỏ, lấy ngón tay cái day huyệt dũng tuyền (nằm giữa chỗ lõm ở 1/3 phía trên gan bàn chân) mỗi bên 30 lần.
Huyệt dũng tuyền (H2)
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, khi tiến hành xoa bóp trị mất ngủ cần tập trung tinh thần và kiên trì thực hiện sẽ có hiệu quả rất nhanh.
0 comments:
Đăng nhận xét