Tác phẩm là một truyện thơ chữ Nôm được phiên dịch và chú giải bởi GS Nguyễn Văn Sâm, với Lời giới thiệu công phu của GS Trần Ngọc Ninh và Lời bạt của Nguyên Giác Phan Tấn Hải. Con số vài chục người tham dự cũng là một khích lệ, vì nền văn học chữ Nôm thường không được quan tâm đúng mức, và đặc biệt vì hôm Chủ Nhật trùng với Đại Lễ Vu Lan Báo Hiếu.
Theo chương trình ấn định dự kiến sẽ có ba diễn giả, nhưng GS Trần Ngọc Ninh giờ chót sức khỏe kém, nên vắng mặt, nhưng Lời giới thiệu dài cả 100 trang của Giaó sư được rút gọn thành vài mươi trang, được đọc bởi hai viên chức Viện Việt Học: chị Hoàng Anh và chị Kim Ngân.
Khởi đầu là MC Bùi Đường giới thiệu GS Nguyễn Văn Sâm, Trưởng Ban Văn Chương Việt Nam tại Viện Việt Học, một nhân vật được MC này gọi là “đặc sệt Nam Bộ như dòng sông Cửu Long mang phù sa về” cho văn hóa và văn học VN.
GS Nguyễn Văn Sâm kể trước tiên về nhân duyên gặp bản chữ Nôm khắc ván. Ông nói rằng chữ Nôm mới là chữ quốc âm, do ông bà mình chế ra từ chữ Tàu để diễn lại tiếng nói Việt vốn độc đáo, riêng biệt – trong đó, tác phẩm Tỉnh Mê Một Cõi, tức Hứa Sử Truyện là tiểu thuyết thơ Nôm dài, do một thiền sư đầu thế kỷ 18 soạn ra để giảng giáo lý nhà Phật. Bản thảo có thể đã được nhiều nhà sư khác đóng góp, sửa chữa. Một bản khắc ván tìm được gần đây ở một chùa tại Sài Gòn.
GS Nguyễn Văn Sâm nói đó là nhân duyên, khi gặp bản khắc ván, giaó sư phát tâm phiên dịch cho đời sau biết về một công trình có giá trị cả văn học và Phật học. GS Sâm nói ông học chữ Nôm hơn nửa thế kỷ, nhận ra đây là tác phẩm vitế vào thế kỷ thứ 18 vì có nhiều chữ khó của thế kỷ 18. Tác phẩm này phiên dịch ra chữ abc hiện nay sẽ cho biết về cách giảng dạy Phật pháp ở Nam Bộ như thế nào, cũng là một lĩnh vực ít được biết tới trước giờ.
Theo Giáo sư Nguyễn Văn Sâm, cấu trúc truyện thơ Nôm này cũng kiểu thế kỷ 18, một cách riêng khó gặp ở thời kỳ khác: thơ lục bát, giữa chừng có thơ chữ Nôm theo thể thất ngôn (7 chữ), cũng ít thấy vẫn chữ thứ tư…
GS Nguyễn Văn Sâm cũng gửi lời cảm ơn nhiều người giúp để tác phẩm Tỉnh Mê Một Cõi ấn hành, trong đó có sự giúp đỡ đặc biệt của DS Nguyễn Tiểu Pha, quí Hòa thượng Thích Chơn Thành, Thích Nguyên Trí, Thích Viên Lý, Thích Nguyên Hạnh.
Giáo sư Nguyễn Văn Sâm cũng nhấn mạnh rằng trong ấn bản trọn bộ 2 quyển Tỉnh Mê Một Cõi, Giáo sư cũng làm được “một tự điển về những từ đã mất, những chữ khó hiểu của VN trước đây được ghi lại trong sách mà Nguyễn Văn Sâm đã lọc ra- rất cần thiết cho người khảo cứu về ngôn ngữ VN nói chung…”
GS Nguyễn Văn Sâm nói sơ lược về cốt truyện thơ Nôm này, vào truyện là 2 vợ chồng làm thuê, cũng để thì giờ vào chùa làm công quả, không bận tâm về giáo lý, chỉ tin Phật một cách tự nhiên và nghĩ rằng làm việc chùa là tìm phước. Khi 2 ông bà mất, đứa con trai 10 tuổi mới vào chùa, học kinh kệ, giaó lý. Thời kỳ vào truyện với lúc 2 ông bà từ trần, được GS Nguyễn Văn Sâm gọi là tu phước, kiểu người bình dân chỉ tin lẽ vô thường, tin lý nhân quả, tin chỉ cần niệm 4 chữ A Di Đà Phật hay 6 chữ Nam Mô A Di Đà Phật là tu đủ rồi.
Từ khi truyện thơ Nôm này chuyển sang đời con, tức chú tiểu con của 2 ông bà sau trở thnàh nhà sư có tên là Hứa Sử, gọi là tu huệ, vì nhiều quan tâm giáo lý xuất hiện. Cơ duyên là Hứa Sử bị quỷ vô thường bắt xuống âm phủ vì nhầm với một quan tham có tên Vương Hứa Sử. Khi Diêm Vương biết bắt nhầm, mới bảo quỷ lên bắt đúng Vương Hứa Sử xuống, cho Hứa Xử chứng kiến việc xử phạt, tra tấn Vương Hứa Xử. Sau đó Diêm Vương dạy Phật pháp cho nhà sư Hứa Sử. Nhà sư này cũng hỏi nhiều câu và được Diêm Vương trả lời – thí dụ, câu hỏi tu ở thành thị hay tu ở quê tốt hơn, Diêm Vương đáp tu ở thành khó vì nhiều cám dỗ.
Truyện thơ Nôm cũng có tư tưởng Nho giáo xen vào, khi kể chuyện tướng tài nước Nam là Đổng Vân vào chùa tu, quân Bắc phiên mới tiến đánh, quân Nam thua. Vua nước Nam vào chùa, mời Đổng Vân ra cầm quân đánh giặc. Đổng Vân khó nghĩ, vì đã tu rồi, mặc áo sư rồi không thể phạm giới được. Cuối cùng, Đổng Vân thuận mệnh, ra làm tướng trở lại, làm thơ ý rằng ta đánh giặc vì yêu nước, không phải vì thù hận.
Khi Đổng Vân thắng trận, quan quân Bắc phiên đầu hàng, được Đổng Vân tha mạng, cấp tiền bạc cho về quê, kèm lời khuyên tu theo Phật pháp. GS Nguyễn Văn Sâm nói tư tưởng người xưa như thế rất nhân đạo, tiến bộ.
GS Nguyễn Văn Sâm nói truyện thơ Nôm naỳ không phải truyện tình như Thúy Kiều, Nguyệt Nga nên không phải để mua vui, nhưng Tỉnh Mê Một Cõi không khó hiểu như kinh, mà tác phẩm là “một hóa thân nghệ thuật của tư tưởng bình dân cho hấp dẫn, dễ đọc, mang tính ngụ ngôn.
GS Nguyễn Văn Sâm nhắc chuyện Đồ Long Đao, khi Trang Tử kể chuyện một người học nghề giết mổ rồng, học xong không ai mướn, xem như chuyện làm vô ích, và “Tôi học chữ Nôm có vô ích chăng? Tôi học chữ Nôm không thấy gì là vô ích, cũng hệt như buổi nói chuyện hôm nay.”
Kế tiếp, MC Bùi Đường giới thiệu diễn giả Phan Tấn Hải. MC họ Bùi nói rằng mẹ anh thường đi chùa, niệm “Nam Mô A Di Đà Phật,” và khi diễn giả Phan Tấn Hải nói về truyện thơ Nôm này, sẽ phân tích rằng tu như thế có đúng không. Diễn giả Phan Tấn Hải có bài nói chuyện dựa phần chính vào Lời Bạt ông viết trong tác phẩm này, nói rằng niệm Phật A Di Đà để vãng sanh là đúng như lời khuyên trong truyện thơ này, còn nói theo giáo lý A Hàm và Tạng Kinh Pali, hễ người tu niệm Phật từ bỏ được tham sân si là đều đúng hết.
Diễn giả họ Phan kể về kinh nghiệm bản thân trong gia đình ông, khi mẹ mất, rồi ba mất, đều làm theo nghi thức Tịnh độ, chính người ba của ông tu siêng năng pháp Tịnh độ, nên thấy những linh nghiệm lạ lùng. Phan Tấn Hải nêu nghi vấn: nói theo Theravada, đó là sanh thiên (thác lên cõi trời), nói theo Tịnh độ là về cõi Tây phương cực lạc.
Ông nói rằng trong Kinh Tạng Pali, nhiều lần Đức Phật nói về địa ngục, nói về vị cai quản địa ngục là Diêm Vương, như kinh căn bản là Kinh Pháp Cú có tới 14 vần thơ về hễ làm lành là sanh thiên, hễ làm dữ là đọa địa ngục, nhưng chỉ một lần Đức Phật nói rằng không có địa ngục dưới đáy biển, và cảm thọ đau đớn mới là địa ngục. Phan Tấn Hải nói, nếu tất cả chỉ là ẩn dụ, tất cõi trời cũng chỉ là ẩn dụ. Nhưng thế giới có vô số cõi, tùy cơ duyên mà hiện, như Facebook là một cõi, chỉ có với người dùng FB, hay giấc mơ của chúng ta mỗi người một cõi riêng, tương ưng tùy người. Hễ rút dây điện, hay không đủ duyên, cõi Facebook sẽ không hiện ra.
Cuối cùng, Phan Tấn Hải nói rằng Kinh Tạng Pali có nói về tịnh độ, đó là tịnh độ của các vị A Na Hàm, còn gọi là Thánh Quả Bất Lai, và người tu chỉ cần dứt sân là đủ để vào tịnh độ, hay chỉ cần dứt ngã mạn là đủ vào tịnh độ, vá hiện nay rất nhiều bà cụ tu Tịnh độ mà ông gặp đã kể như không còn sân hận, hằn thù gì với ai… và tất nhiên, như Phật dạy, hễ thác là vào Tịnh Độ Bất Lai. Lời Bạt này có thể đọc ở:http://thuvienhoasen.org/a23685/tinh-me-mot-coi-tu-dia-nguc-toi-tinh-do
Kế tiếp, chị Kim Ngân thay mặt Viện Việt Học tặng nhà văn Nguyên Giác Phan Tấn Hải một bài thơ 4 câu 7 chữ bằng chữ Nôm của GS Nguyễn Văn Sâm để lưu niệm; bài thơ có 4 chữ đầu 4 câu ghép lại thành: Cư Sĩ Nguyên Giác.
Tiếp theo, hai chị Hoàng Anh và Kim Ngân đọc bài của GS Trần Ngọc Ninh về nguồn gốc thơ lục bát Việt Nam. GS Trần Ngọc Ninh đưa ra minh chứng rằng thơ lục bát không bắt nguồn từ thơ Hán văn, ghi nhận về sự chuyển biến tiếng Mường-Việt thành Trung-Việt ngữ, về thể lục bát của dân ca Chiêm, về đồng hóa văn hóa Chăm để truyện cổ Chăm thành truyệnc ổ Việt (như Tấm Cám, Trầu Cau…), về bước đầu của thơ lục bát VN, về văn chương truyền khảo VN, về sự xuất hiện truyện thơ viết bằng chữ Nôm, về truyện thơ Lê Mạt, về truyện thơ vào Đường Trong…
Bài viết của GS Trần Ngọc Ninh được đọc lại, và có những giây phút ngưng lại vì xúc động trước vẻ đẹp trí tuệ đầy thao thức của bài viết. Bài phân tích của GS Trần Ngọc Ninh tự thân cũng là một tuyệt tác về phê bình văn học.
GS Nguyễn Văn Sâm nói rằng tác phẩm 2 quyền Tỉnh Mê Một Cõi là cuốn sách cần có cho người nghiên cứu về Phật học và văn học Việt Nam thời hậu Tây Sơn. Tác phẩm 2 quyển này, có thể mua trọn bộ giá 30 USD (bao gồm cước phí trong nội địa Hoa Kỳ); xin liên lạc tác giả: Nguyễn Văn Sâm, email: samnguyen20002002@yahoo.com.
0 comments:
Đăng nhận xét