Người Mỹ dạy con như thế nào
Mỹ luôn là cường quốc đứng đầu thế giới về nhiều lĩnh vực: kinh tế, quốc phòng, công nghệ… đặc biệt là vấn đề giáo dục trẻ nhỏ, điều mà nhiều công dân quốc tế cảm phục và noi theo. Những ưu điểm, tính cách, thói quen tốt của người Mỹ hiện tại là thành quả của hệ thống giáo dục từ gia đình, nhà trường đối với quá trình phát triển nhân cách con trẻ.
Dạy trẻ tính tự lập, ý thức khi còn rất nhỏ
Vừa được sinh ra, trẻ đã được bố trí ngủ riêng, tách biệt với người thân. Điều này giúp trẻ tránh phụ thuộc quá nhiều vào người trong gia đình. Khi trẻ lên hai, người lớn dạy trẻ các kỹ năng tự phục vụ bản thân như: lấy đồ ăn, uống nước hoặc sữa, tự vui chơi và tự đứng dậy khi ngã. Ba mẹ và thầy cô luôn kiên trì, vừa hướng dẫn vừa khích lệ để tạo những thói quen tự lập cho trẻ đến khi nào trẻ có thể thực hiện những thói quen đó thành thạo. Họ cho rằng nắm bắt các kỹ năng cơ bản tự phục vụ nhu cầu bản thân sẽ giúp trẻ tăng cường tính độc lập, có ý thức khi trưởng thành.
Làm gương, tôn trọng và kiên trì giải thích cho trẻ
Không riêng gì ở Mỹ, hầu hết trẻ con trên thế giới hay nhìn những hành động của người lớn mà làm theo. Vì vậy ba mẹ và người lớn ở Mỹ rất chú ý đến cách cư xử chuẩn mực của mình trong giao tiếp. Họ thường xuyên lập đi lập lại những điều tốt trước mặt trẻ và hạn chế tối đa những thói quen xấu khi có sự hiện diện của chúng.
Trẻ em Mỹ rất được người lớn tôn trọng, nhưng trong tính kỉ luật. Khi trẻ phạm lỗi như nói dối, vô kỷ luật, bỏ ăn hoặc vô lễ, người lớn sẽ phạt trẻ bằng cách cắt giảm đồ chơi, giờ chơi, hoặc những thứ liên quan đến sở thích của trẻ. Điều cấm kỵ lớn nhất khi phạt trẻ là quát mắng, đánh đòn hoặc đe dọa. Bởi trẻ con thì vẫn là trẻ con, vẫn còn rất non nớt. Khi trẻ nghĩ mình không được người lớn tôn trọng và chấp nhận, chúng sẽ mang cái tôi rất lớn, có thể dẫn đến thiếu tôn trọng ba mẹ và người lớn tuổi. Do vậy các bậc cha mẹ Mỹ hiểu rằng, họ sẽ có nhiều lần tức tối, nổi giận và mất bình tĩnh với 1 đứa trẻ bướng bỉnh, nhưng không được mất kiểm soát tới mức dạy con theo kiểu “ăn miếng trả miếng”, phải luôn tỉnh táo và nghiêm khắc với trẻ con đúng lúc.
Trẻ nhỏ luôn hiếu kỳ và hay thắc mắc về môi trường sống xung quanh. Trách nhiệm của người lớn là giải thích, hướng dẫn chứ không áp đặt và lờ đi hoặc tránh né khi trẻ vặn hỏi.
“Biết vâng lời” và “biết hợp tác” - hai khái niệm khác nhau của trẻ
Với ba mẹ Mỹ, khái niệm “con ngoan” không phải là “biết vâng lời” mà chỉ cần trẻ “biết hợp tác”. Những lúc trẻ ương bướng và bất hợp tác, ba mẹ không phạt con kiểu đe dọa, mắng mỏ, hay quy kết trẻ “hư đốn”, thay vào đó họ sẽ nghiêm nghị sữa chữa, hoặc đánh vào sở thích của trẻ để dẫn dụ như vậy trẻ sẽ hợp tác một cách hoàn toàn tự nguyện và tự nhiên.
Dạy trẻ cư xử nhân bản, hòa nhập, và có trách nhiệm xã hội
Trẻ em Mỹ luôn phải thích ứng với sinh hoạt trong gia đình và tuân thủ những quy tắc cơ bản bao gồm cả phép lịch sự nơi công cộng, quan hệ xã hội. Chúng luôn được dạy phải nói lời cám ơn khi ai đó đưa món đồ cho mình hoặc tỏ thái độ vui vẻ khi có khách đến nhà…
Ba mẹ Mỹ luôn hướng dẫn trẻ cách chào đón các bạn mới. Nguyên tắc chung mà họ luôn truyền đạt cho trẻ đó chính là nếu trẻ không hòa đồng thì sẽ không thể tham gia vào bất cứ trò chơi tập thể nào khác cùng các bạn.
Khác với văn hóa nhiều nơi hay bao bọc và che chở khi trẻ gây ra lỗi lầm, người Mỹ luôn hướng trẻ phải chịu trách nhiệm do chính những lỗi của mình gây ra và tìm cách hóa giải những khó khăn ấy. Họ chỉ động viên và giúp đở trong phạm vi mang tính giáo dục.
Trao “quyền” cho trẻ
Trong khi trẻ em các nước trên thế giới vẫn còn rụt rè khi đi học hoặc giao tiếp xã hội đơn thuần thì trẻ em Mỹ rất mạnh dạn, rất tự tin. Bí quyết để có những đứa trẻ ngoan, biết hợp tác, vâng lời là “trao quyền” cho trẻ và để chúng cảm nhận được những “quyền” này:
- Trao cho con niềm tin
- Trao cho con sự tôn trọng
- Trao cho con quyền bình đẳng
- Trao cho con sự đánh giá cao bản thân
- Trao cho con sự khích lệ
Tại Mỹ nơi mà nhân quyền rất được coi trọng, trẻ em càng được quan tâm và chăm sóc đặc biệt. Không phân biệt sắc tộc màu da, trẻ em Mỹ luôn được Chính phủ và người dân xem là “tài sản” quốc gia; cần phải được yêu thương, gìn giữ và phát huy tối đa các tiềm lực phát triển. Đây là một trong những nguyên nhân làm nên đất nước Mỹ ngày càng vững mạnh về kinh tế, luôn dẫn đầu thế giới về nhiều lĩnh vực.
0 comments:
Đăng nhận xét