Vợ chồng anh Đinh Thiên Tâm và chị Nguyễn Diệu Thúy ở Hà Nội có một cáchkiếm tiền không giống ai, đó là biến đồ ve chai thành những vật dụng hữu ích, đầy tính nghệ thuật.
Đinh Thiên Tâm (34 tuổi) kể lại một ngày anh đi trên đường và bất ngờ để ý những chai lọ thủy tinh bỏ đi, anh mang về nhà cắt gọt, dùng màu nước để vẽ trang trí. Sau một hồi, chiếc chai thủy tinh đựng rượu tưởng đã bỏ đi biến thành một chiếc lọ cắm hoa xinh xắn, nhiều người trầm trồ khen ngợi.
Từ lọ cắm hoa, dưới bàn tay Đinh Thiên Tâm, những chiếc chai thủy tinh lần lượt biến hình thành gạt tàn thuốc lá, cốc uống nước, đĩa đựng trái cây, chậu trồng hoa.
Chị Nguyễn Diệu Thúy, vợ của Đinh Thiên Tâm, vốn là dân mỹ thuật chuyên nghiệp, phụ chồng trang trí cho những sản phẩm tái chế này bằng màu nước. Sản phẩm ban đầu của 2 vợ chồng anh chỉ để sử dụng trong nhà và mang đi tặng bạn bè. Năm 2014, trong một hội chợ đồ handmade diễn ra tại trường THPT Chu Văn An, vợ chồng Đinh Thiên Tâm mang sản phẩm đến hội chợ và không ngờ nhận được sự quan tâm đặc biệt của mọi người. Những đơn đặt hàng tới tấp gửi về. Hai vợ chồng trẻ nảy ra ý tưởng làm giàu từ những những chiếc chai lọ bỏ đi. Cứ như vậy, thương hiệu Ve chai đã ra đời.
“Chúng tôi đến các quán bia, rượu, các quán bar để xin lại vỏ chai. Đi đâu thấy chai đẹp cũng nhặt về. Tùy từng loại chai sẽ có những mẫu thiết kế khác nhau. Tôi đảm nhiệm cắt, mài chai thủy tinh. Vợ tôi chịu trách nhiệm vẽ, trang trí sao cho sinh động nhất”, Đinh Thiên Tâm nói.
Khách hàng ban đầu chủ yếu là dân văn phòng, sau đó lan tới giới kinh doanh trong các lĩnh vực nhà hàng, quán cà phê.
“Người tiêu dùng có thể đặt hàng chúng tôi về kiểu dáng, những hình vẽ trang trí trên sản phẩm... Các quán cà phê đặt hàng chúng tôi những kiểu cốc, ly, lọ hoa đặc thù, các loại đèn trang trí trong quán”, anh Tâm cho biết.
“Chất liệu thủy tinh từ những chiếc chai lọ rất chắc chắn, độ bền cao, khi được cắt,gia công màu vẽ có thể còn tốt hơn thủy tinh của những sản phẩm chế biến hàng loạt. Cộng với hình dáng, màu sắc trẻ trung, “không đụng hàng” nên khách hàng rất thích”, ông chủ trẻ nói thêm.
Nhà riêng của vợ chồng Đinh Thiên Tâm vừa là xưởng sản xuất, vừa là nơi bán hàng. Sản phẩm làm ra có giá tối thiểu 30.000 đồng, tối đa 500.000 đồng. Có những ngày cao điểm, vợ chồng anh Tâm hoàn thiện 100 sản phẩm để giao cho khách.
“Có bao giờ anh bị tai nạn nghề nghiệp, làm vỡ sản phẩm, bị thương khi hoàn thiện sản phẩm không?”, chúng tôi hỏi. “Chưa bao giờ. Từ khi bắt tay làm công việc này đến bây giờ, tôi chỉ làm vỡ 2 cái chai do vô tình vấp phải, chưa bao giờ tôi bị chảy máu tay, chân”, anh Tâm nói.
Từ kinh doanh những sản phẩm tái chế đơn thuần, hiện tại vợ chồng Đinh Thiên Tâm đang cùng nhau mở một quán cà phê ve chai trên phố Đặng Thai Mai. Đó là một quán cà phê vườn, rộng hơn 100 m vuông, có âm nhạc vào một số buổi tối trong tuần, vật trang trí chủ yếu trong quán là các ly, cốc tái chế từ chai thủy tinh và các loại đèn cũng từ chai thủy tinh.
“Tôi muốn ban đầu, nơi đây sẽ là một quán cà phê. Sau này, chúng tôi sẽ mở xưởng tự tái chế chai thủy tinh ở đây, tạo việc làm cho những người tàn tật, giúp họ bán những sản phẩm”, ý định của ông chủ sinh năm 1982.
Đinh Thiên Tâm trải qua khoảng 11 nghề trước khi đến với công việc tái chế chai lọ thủy tinh: từ thiết kế đồ họa, chụp ảnh, thiết kế bảo tàng, điêu khắc đá, bán gạo, bán rau cho tới chạy xe ôm.
Xuất thân trong gia đình có truyền thống nghệ thuật: bố mẹ, em trai và vợ đều tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp và làm các công việc liên quan, nhưng Tâm không học đại học, anh chỉ học hết lớp 9 và tự bươn chải từ năm 16 tuổi.
“Nhiều khi tôi tự hỏi nếu mình học đại học thì tôi sẽ ra sao, tôi có làm công việc này không, tôi sẽ là ai. Nhưng đến bây giờ, tôi cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại, chúng tôi đã làm tất cả những gì mình dám nghĩ và mơ ước”, ông chủ trẻ bộc bạch.
Thúy Hằng
0 comments:
Đăng nhận xét