/
Bí thư Đinh La Thăng: Cả làng ăn bẩn nhưng vẫn vui!
VOV.VN - Bí thư Đinh La Thăng: “Do không xác định được trách nhiệm, không kỷ luật được ai nên cả làng ăn bẩn nhưng vẫn… vui!”.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm diễn ra sáng 27/4, sau khi nghe báo cáo của một số bộ, ngành, địa phương, Bí thư TP HCM Đinh La Thăng bày tỏ: “Tôi rất băn khoăn với số liệu các bộ ngành báo cáo vì tình trạng mất vệ sinh thực phẩm tràn lan mà nói tỷ lệ thực phẩm không an toàn chỉ 1%, 5%, 7%... và đều giảm dần. Tôi xin lỗi phải nói là tôi không tin con số này. Nguyên nhân số 1 của tình trạng là do không xác định được trách nhiệm, không kỷ luật được ai nên cả làng ăn bẩn nhưng vẫn vui!”.
Theo Bí thư TP HCM, nếu các bộ ngành đã phối hợp tốt, địa phương cùng quyết liệt thực hiện luật và nói tình trạng vi phạm có giảm không thì tôi cho là không. Nguyên nhân số 1 là do không xác định được trách nhiệm, lâu nay các cơ quan quản lý không kỷ luật được ai cả, từ cấp quận huyện đến tỉnh thành, trong khi tình trạng vi phạm vẫn tràn lan.
“Không lỷ luật nên cả làng đều vui, ăn bẩn nhưng vẫn vui vì đã chết ngay ai đâu. Chỉ một vài vụ ngộ độc xảy ra, chưa thấm” ông Thăng nói.
Cũng theo ông Đinh La Thăng, thực tế việc quản lý, xử lý chưa nghiêm minh, còn tình trạng bao che, thông đồng với người sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn vì lợi nhuận quá lớn. “Đơn giản như việc quản lý các lò mổ, chẳng lẽ các cơ sở này hoạt động mà không ai biết? Nếu có một lò mổ trong khu dân cư thì âm thanh phát ra chắc hẳn phải ầm ầm lên chứ không thể nói cả làng xã, phường quận không ai biết” – ông Thăng nêu thực tế.
Từ thực tế này, Bí thư Thăng đề nghị, cần xử lý trách nhiệm các cơ quan đơn vị, cá nhân có liên quan đến việc lộn xộn trong lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm hiện nay, chứ nói là có sự phối hợp tốt mà một bộ cho nhập chất cấm lại không hỏi ý kiến bộ ngành khác, cần chỉ 10kg nhưng lại cho nhập đến 10 tấn thì hoà cả làng.
Cùng với đó, ông Đinh La Thăng kiến nghị Chính phủ ban hành Chỉ thị với mục tiêu hướng tới là huy động toàn dân vào cuộc đấu tranh chống lại thực phẩm mất an toàn và phân công, phân cấp toàn diện cho chính quyền địa phương thực hiện, chịu trách nhiệm về việc này. Theo đó, ví dụ như lò mổ bất hợp pháp, mất vệ sinh phát hiện ở phường, xã nào thì Chủ tịch UBND phường, xã đó phải chịu trách nhiệm, địa phương, tỉnh thành có quá nửa số quận huyện để xảy ra tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm thì Bí thư, Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm.
Về tổ chức bộ máy, Chính phủ cần đồng ý cho các địa phương lập cơ quan tổng hợp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chỉ cần chốt điều kiện không được tăng biên chế, nếu không thì cũng cần lập một Ban Chỉ đạo quốc gia về vấn đề này. TPHCM đã kiến nghị lập một cơ quan tổng hợp để nắm việc, được trả lời đó là quyền của địa phương nhưng vẫn phải xin ý kiến Chính phủ.
Về đội ngũ cán bộ công chức thực thi nhiệm vụ, theo Bí thư Đinh La Thăng phải được đặt lên hàng đầu. Vì cán bộ làm không nghiêm nên người dân không tin.
Bí thư Đinh La Thăng đề nghị cho phép địa phương tổ chức lực lượng thanh kiểm tra, trong đó có việc đưa lực lượng cựu chiến binh tham gia vì với phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ, các bác làm rất mẫn cán và không có động cơ vụ lợi.
Ông Thăng cũng đề nghị quán triệt đến các bộ, ngành, địa phương là tổ chức quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng không “đẻ” thêm giấy phép con và cần tăng mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực này để đảm bảo tính răn đe./.
0 comments:
Đăng nhận xét