Cô SV Nguyễn Ngọc Dung, lớp CĐ môi trường (ĐH Sài Gòn) đã nung nấu mơ ước tự mình xây dựng một trang trại nông nghiệp hữu cơ để giúp người dân quê hương ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, hạn mặn hiện nay.
Cần mẫn thu lượm kiến thức cho đam mê khoa học
Dung chia sẻ, lớp cao đẳng của em vốn dĩ bị thiệt thòi hơn so với những bạn học trình độ đại học,bởinhững khiến thức từ các môn học chuyên ngành bị cắt bớt nên việc thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học là rất khó khăn.
Điều đó đã thôi thúc Dung thường xuyên tham dự các hội thảo về lĩnh vực nghiên cứu khoa học môi trường, tham gia các buổi tập huấn kỹ năng làm nông nghiệp thân thiện môi trường của các tổ chức phi chính phủ để bù đắp lượng kiến thức cònthiếu.
Xử lý chất thải chăn nuôi (từ việc nuôi lợn) làm thức ăn cho trùn quế là đề tài nghiên cứu đầu tay của Dung. Trùn quế sẽ chuyển thức ăn thành 2 sản phẩm chính: Phân trùn quế là nguyên liệu để sản xuất phân hữu cơ vi sinh bảo vệ môi trường, thay thế phân hóa học mà nhiều người dân đang sử dụng; Thịt trùn quế có thể làm thức ăn cho chăn nuôi, thay thế thức ăn công nghiệp hiện nay.
Dung cho biết, ngoài những kiến thức thu lượm được từ các hội thảo, kinh nghiệm từ thời gian được thực tập tại Viện nhiệt đới môi trường TP.HCM cũng thật sự quý báu cho đề tài nghiên cứu của em, bởi đây là môi trường tốt để Dung rút ra cho mình nhiều bài học về nghiên cứu khoa học.
"Mỗi lần pha hóa chất, em gặp rất nhiều khó khăn bởi thiếu kiến thức và kinh nghiệm. Thí nghiệm làm 10 lần không ra kết quả và không biết sai ở chỗ nào.
Nhưng nhờ sự giúp đỡ của các anh chị tại Viện em mới biết mình pha hóa chất sai, nhiệt độ, nồng độ sai. Sự tích góp từ nhiều lần thất bại đã giúp em hoàn thành công việc và không mắc phải sai lầm trong việc phân tích chỉ tiêu” - Dung nói.
Mơ ước của Dung là xây dựng được thói quen làm nông nghiệp công nghệ cao cho người dân quê hương mình. Ảnh: Hà Thế An.
Mơ ước của Dung là xây dựng được thói quen làm nông nghiệp công nghệ cao cho người dân quê hương mình. Ảnh: Hà Thế An.
Không chỉ thiếu thốn về mặt kiến thức và kinh nghiệm, ngay điều kiện nghiên cứu cũng mang lại những vất vả không thể đong đếm cho cô sinh viên môi trường.
Do nghiên cứu chất thải chăn nuôi nên môi trường Dung tiếp xúc hàng ngày lúc nào cũng ám mùi hôi. Dù đã đeo khẩu trang khi phối trộn nhưng mùi của chất thải vẫn bốc lên nồng nặc, đến nỗi ngay cả khi đã về nhà Dung vẫn bị ảm ảnh bởi thứ mùi đó, thường xuyên bỏ cơm, khiến cơ thể bị sút cân.
Khó khăn không dừng lại ở đó, Dung thường xuyên bị từ chối khi đi xin chất thải lợn từ các trang trại chăn nuôi ở vùng ngoại ô TP HCM, đặc biệt khi các chủ trang trại biết mục đích của em là dùng để nghiên cứu.
Tuy nhiên, sau nhiều ngày “quần thảo”, may mắn cũng mỉm cười với Dung. Em nhận được sự giúp đỡ của một chủ trang trại ở Củ Chi khi giải thích cặn kẽ về những lợi ích của công việc mình làm, và sẵn sàng chuyển giao công nghệ khi công trình nghiên cứu hoàn thành.
Xin được mẫu rồi, Dung lại gặp phải một trở ngại khác. Em không đi được xe buýt mà quãng đường từ Thành phố về Củ Chi lên đến hàng chục km, những con đường ngoằn ngoèo vùng ngoại ô cũng "giúp" cô gái nhỏ liên tục lạc đường.
Nhưng sau tất cả, Dung đã tìm ra công thức phối trộn tối ưu nhất phế phẩm nông nghiệp với chất thải chăn nuôi để trùn quế ăn và phát triển tốt. Bởi rơm rạ có hàm lượng xenlulozo cao kích thích quá trình phân hủy chất thải nhanh hơn.
Ước mơ thay đổi thói quen canh tác của nông dân
Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở Gò Công, quanh năm "bán mặt cho đất bán lưng cho trời", Dung thấu hiểu sự cực nhọc trong việc làm nông nghiệp theo kiểu truyền thống phụ thuộc vào thiên nhiên. Vì thế, cô học trò cấp 3 Thùy Dung quyết tâm học tập và thi vào chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp để thực hiện ước mơ thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp ở quê hương.
Dung cho biết, người dân Gò Công chỉ có nghiệp chính là đồng ruộng, với mỗi năm gieo trồng 3 vụ lúa. Nhưng giờ nơi ấy đang hạn mặn, người dân phải cắt bỏ 1 vụ lúa và chờ đến mùa mưa để gieo trồng trở lại.
Dung mong muốn có thể giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng rau theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Trồng rau trong nhà kính, làm nông nghiệp theo phương pháp thủy canh và trồng trên giá, không phụ thuộc vào sự biến đổi thời tiết, là những ý tưởng mà Dung ấp ủ cho tương lai.
Với công trình nghiên cứu đầu tay từ trùn quế, Dung hy vọng rằng mô hình trong tương lai của mình sẽ được sử dụng nguồn phân bón hữu cơ, thân thiện với môi trường, giúp người nông dân từ bỏ thói quen bón phân hóa học.
Em sẽ thực hiện dự án này để người nông dân quê hương thấy hiệu quả mà nó mang lại và sau đó thuyết phục người dân làm theo”- Dung cho biết.
Để thực hiện được ước mơ của mình, Dung chia sẻ sẽ tiếp tục đi làm thêm dành dụm tiền để thực hiện một chuyến đi Đà Lạt học hỏi kinh nghiệm trồng rau sạch công nghệ cao.
Theo Khám Phá