logo Khi bố “vục” mặt vào game online, mẹ cứ “cày” Facebook comment chém gió, thì con, ắt phải chơi với iPhone, iPad. Và nếu bố mẹ không tạo ra trò chơi cho các con trong cuộc sống thực, thì iPhone, iPad sẽ giải quyết hộ họ điều đó, đồng nghĩa với việc không gian sống của con trẻ cũng bị bó hẹp và con của bạn từ đó có nhiều nguy cơ tách biệt với cuộc sống thực, sự giao tiếp thực...


Đừng để trẻ phải oằn lưng gánh những khát khao của cha mẹ!

Đầu tiên, tôi xin bàn về chuyện mùa hè, học hay chơi. Không phải nghiễm nhiên một năm học có 9 tháng chứ không phải là 12 tháng. Mùa hè là để trẻ con được ngủ nướng một tí, được chơi, được về quê hoặc đi du lịch. Vì thế, nếu bố mẹ hiểu rõ ý nghĩa của mùa hè, hiểu rõ điều con mình cần là gì, điều con muốn là gì, tức khắc họ sẽ có những lịch trình phù hợp cho con. Tất nhiên, nếu bố mẹ luôn tư duy theo cách làm thế nào tiện cho mình hơn, thì con cái theo đó cũng có một mùa hè không còn là của riêng mình. Tôi cho rằng, nhận thức của cha mẹ sẽ quyết định mọi chuyện học và chơi của con cái.
Thực tế là nhiều em nhỏ đang phải oằn lưng để thỏa mãn những khao khát của bố mẹ, vô hình chung, điều đó khiến các em phải chịu sức ép rất lớn. Tôi không có ý định dạy dỗ ai, tôi cũng chả là cái gì để mọi người phải nghe tôi, nhưng tôi muốn chia sẻ quan điểm về chuyện nghỉ hè của trẻ em nói chung.


Nghệ sĩ Xuân Bắc và các em nhỏ
Đứa trẻ nào cũng khao khát được nghỉ hè như thế này, và đó là quyền lợi chính đáng của tuổi thơ: “Nghỉ hè phượng nở đầy hoa/ Bạn bè ca hát vui chơi hiên nhà/ Một năm học đã trôi qua/ Nghỉ hè đã đến với ta đây rồi/ Nghỉ hè được về quê chơi/ Được vui tắm mát dưới ao sau nhà/ Được ra thổi sáo ven đê/ Hòa cùng tiếng gió vi vu chan hòa..." (lời một bài hát)
Tôi rất thích thời thơ ấu của mình. Cứ đến hè tôi được đá bóng, thả diều, bắt cua, tát cá, được về quê đi gặt, bắt ve sầu, chơi trốn tìm, đuổi bắt… Nhà tôi ở khu tập thể của cán bộ công nhân viên, hè là được bố mẹ thả cho chơi tự do, chạy loăng quăng đủ trò, có hôm chơi đến giờ này (21h) mới về nhà, cổ, nách ngấn đen bẩn hết. Mấy anh em lại ra giếng dội nước tắm ào ào. 
Tất nhiên, không thể so sánh mùa hè của mình với mùa hè của con trẻ hiện nay. Tất nhiên nghỉ hè cũng không có nghĩa để trẻ thích chơi gì thì chơi, thích làm gì thì làm. Các ông bố, bà mẹ văn minh sẽ có cách biến kỳ nghỉ hè của con thành những ngày nghỉ vừa thoải mái, vừa có ích, để thông qua thời gian đó cung cấp thêm cho các con một vài kỹ năng sống nào đó. Ví dụ nghỉ hè nên cho các con đi học bơi, vừa tốt cho sức khỏe vừa chuẩn bị cho con thêm một kỹ năng sinh tồn. Hoặc cho các con học những môn ngoại khóa như võ thuật, âm nhạc, tùy theo khả năng của mỗi cháu.
Trẻ nghiện iPhone, iPad là do cha mẹ!
Mùa hè bây giờ dường như ai cũng lập sẵn một kế hoạch học hè hoặc một kế hoạch nào đó để “tống” con tới trường, tới nhà thầy cô hoặc một trung tâm nào đó. Hoặc là, mùa hè bố mẹ thỏa hiệp với việc cho các con chơi iPad, iPhone nhiều hơn ngày thường. Và sau đó là những lời than, con trẻ nghiện màn hình phẳng hơn cả ăn, cả ngủ.
Thực ra, ngay cả những đứa trẻ chưa phải tới trường, có nhiều ông bố, bà mẹ vì muốn có không gian yên tĩnh đã ném cho con cái iPhone, iPad. Bởi cái họ cần là sự yên tĩnh chứ không phải tương lai, hạnh phúc thực sự của con mình. 
Trong khi có một cách khác để trẻ bận rộn, đó là để các con được chơi những trò chơi cùng nhau, được học những thứ chúng muốn, qua đó giúp các con thu nạp thêm kiến thức về cuộc sống.


Nghệ sĩ Xuân Bắc và hai con trai
Muốn trẻ em không cắm cúi vào iPad, iPhone, vào game thì chỉ có một cách, cho trẻ em cảm nhận được thế giới thực hay hơn thế giới ảo. Lúc đó tự chúng sẽ không màng tới những màn hình công nghệ nữa. Giống như là món trứng tráng và món đùi gà, nếu chỉ cho con chọn giữa trứng tráng và ngô rang cay thì trẻ em đa số sẽ chọn ăn trứng tráng, nếu cho trẻ chọn trứng tráng và đùi gà, mà đùi gà ngon hơn thì đương nhiên trẻ sẽ bỏ món trứng tráng. Ví dụ này chỉ mang tính hình ảnh, món trứng tráng như trò chơi điện tử, món ngô cay và đùi gà là cuộc sống hàng ngày, là những hoạt động. Hãy biến hoạt động, cuộc sống của con lúc nào cũng thành đùi gà chứ đừng biến thành ngô cay. Tất nhiên sẽ có mẹ lập luận: tùy thuộc khẩu vị, có đứa thích ăn ngô cay, có đứa lại thích ăn trứng tráng thì sao? Hành vi đó của trẻ cũng giúp các bố mẹ có được câu trả lời: rằng bạn đã tạo ra môi trường gia đình như thế nào, định hướng của gia đình đối với tương laii của trẻ ra sao. 
Hãy để cuộc sống của con luôn luôn vận động với sự hào hứng. Ví dụ tôi hay cho con đi rừng, khi nghe tôi hô: ”Nào các con, bây giờ một là ở nhà chơi iPad, hai là đi khám phá rừng với bố…” Chưa kịp nói hết câu, lũ trẻ hào hứng đóng hết iPad, iPhone, ríu rít: “Con, con!”  Tất nhiên, những hoạt động thú vị kia cũng cần diễn ra thường xuyên, nếu không chúng sẽ dần chìm vào thế giới nhỏ nhắn sau những chiếc màn hình phẳng đó. Điều nguy hiểm chính là, khi đôi mắt chìm vào những chiếc màn hình cảm ứng ấy, đồng nghĩa không gian sống của con trẻ cũng bị bó hẹp ở trong chính khoảng không nhỏ bé đó, và con của bạn từ đó có nhiều nguy cơ tách biệt với cuộc sống thực, sự giao tiếp thực. 
Vì thế, nếu bố mẹ không tạo ra trò chơi cho các con trong cuộc sống thực, thì iPhone, iPad sẽ giải quyết hộ họ điều đó. Nếu muốn iPad không mòn, các ông bố, bà mẹ hãy dũng cảm cương quyết nói không với chính mình về việc sử dụng điện thoại, máy tính khi về nhà. Và tôi tin chắc, những ông bố bà mẹ ấy chính là người sẵn sàng “tiêu tốn” thời gian của chính mình cho con. Điều đó thực ra có ý nghĩa hơn nhiều những chiếc máy tính bảng nhiều triệu đồng.
Nghệ sĩ Xuân Bắc
Ảnh: Facebook Xuân Bắc